Hà Nội nới lỏng, nhưng không buông lỏng kiểm soát dịch bệnh

Chia sẻ

Việc đông người quá mức trên đường phố tối Trung thu ở Hà Nội đang khiến dư luận lo ngại về nguy cơ dịch bệnh dễ bùng phát. Nó cho thấy cần phải ngăn chặn những suy nghĩ chủ quan, coi thường dịch bệnh, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

Chủ quan, lơ là sẽ thách thức thành quả chống dịch của Hà Nội

21/9 là ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Thủ đô. Có lẽ, tâm lý xả hơi sau thời gian dài kìm nén bởi các đợt giãn cách, lại đúng vào Trung thu nên tối cùng ngày, lượng người xuống đường ở Hà Nội tăng đột biến, dòng người đổ dồn về hồ Gươm khiến nhiều tuyến đường phố ùn ứ phương tiện. Mặc dù, lực lượng chức năng đã lập nhiều rào chắn hạn chế người di chuyển qua khu vực trung tâm thành phố nhưng do lượng người quá đông nên các rào chắn bị vô hiệu hóa. Có những nhóm thanh niên vừa không tuân thủ 5K vừa không đội mũ bảo hiểm xe máy. Trước đó, báo chí cũng đã cảnh báo việc người dân xếp hàng mua bánh Trung thu đông đúc, không đảm bảo yêu cầu giãn cách.

Dịp lễ ai chẳng muốn vui nhưng trong bối cảnh Hà Nội vẫn đang phải đối phó với nguy cơ dịch Covid-19, khi mầm bệnh chưa được quét sạch và những ca mắc mới trong cộng đồng vẫn còn xuất hiện, thì việc người dân đổ xô ra đường, tập trung đông người, thậm chí có người còn không thực hiện 5K như khuyến cáo, khiến dư luận lo ngại dịch có thể bùng phát lên.

Nhìn lại quá khứ, dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM cũng xảy ra sau dịp lễ. Sự xuất hiện hàng loạt các chuỗi lây nhiễm trong thời gian khoảng giữa tháng 5 cho thấy nhiều khả năng dịch xâm nhập vào TP.HCM đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Biến chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm rất mạnh nhưng ít biểu hiện ban đầu đã khiến các chuỗi lây nhiễm lan truyền âm thầm 2-3 thế hệ, khiến dịch bệnh lan rộng khắp thành phố.

Nhìn ra nước ngoài, hồi đầu năm 2021, Ấn Độ hầu như đã khống chế được đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm chỉ khoảng 10.000 người/ngày, trên tổng số 1,3 tỷ dân. Sau nhiều tháng phong tỏa nghiêm ngặt, vào mùa xuân, các quy định giãn cách phòng dịch được tháo bỏ. Các cuộc tụ tập đông người tại các lễ hội mùa Xuân và tôn giáo cùng việc người dân không tuân thủ các quy định phòng dịch đã nhanh chóng đưa Ấn Độ trở thành một tâm dịch mới của thế giới với 200.000 ca mắc mỗi ngày. Đặc biệt, lễ hội Kumbh Mela với sự tham gia của khoảng 25 triệu người cùng nghi thức tắm trên dòng sông Hằng linh thiêng đã trở thành sự kiện siêu lây nhiễm.

Chính vì thế, việc người dân Hà Nội đổ ra đường đông đúc trong đêm Trung thu thể hiện sự chủ quan và không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Nó cho thấy một bộ phận người dân đã bắt đầu có tư tưởng chủ quan, lơ là phòng dịch. Điều này dẫn đến nguy cơ như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã cảnh báo là thành quả chống dịch trong 2 tháng qua của Hà Nội đang bị “thách thức rất lớn”.

Còn nhớ, trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, từ kinh nghiệm của dịp lễ 30/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng phải có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không để xảy ra tụ tập đông người, đồng thời dừng tổ chức lễ hội, khu vui chơi, kể cả ở các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội.

Các chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô tiếp tục thực hiện kiểm soát lưu lượng phương tiện vận tải hành khách cũng như việc di chuyển của người dân giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phốCác chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô tiếp tục thực hiện kiểm soát lưu lượng phương tiện vận tải hành khách cũng như việc di chuyển của người dân giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố

Không thể phó mặc cho chính quyền mà là trách nhiệm của người dân

Nới lỏng giãn cách là quyết định phù hợp của Hà Nội khi các ca mắc Covid-19 giảm sâu và ổn định. Qua 4 đợt giãn cách xã hội, đến nay về cơ bản thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, dù đạt được một số thành quả trong công tác phòng, chống dịch, Hà Nội vẫn chưa thể an toàn. Trước hết là vì cả nước chưa an toàn với đại dịch Covid-19 và cũng không thể khống chế triệt để dịch 100%.

Trong khi đó, Thủ đô lại là một trong những đầu mối giao thông chính của cả nước. Dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ vùng dịch về, nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Thêm vào đó, mầm bệnh vẫn đang lẩn khuất trong cộng đồng mà bằng chứng mới nhất là 2 ca vừa phát hiện tại số nhà 194, tổ dân phố 8, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông trong ngày 22-9.

Với địa bàn còn nguy cơ dịch bệnh phức tạp như vậy nên Hà Nội chỉ mới nới lỏng giãn cách từng bước, chuyển từ thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15, chứ không phải là bỏ giãn cách, mở cửa toàn bộ. Đây là điều mà mọi người dân phải nhận thức rõ và nghiêm chính chấp hành các quy định mà chính quyền thông báo. Theo đó, người dân được yêu cầu không ra đường khi không có việc cần thiết, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng…

Cũng cần phải thấy rằng sự cần thiết với Hà Nội lúc này là nới lỏng để sản xuất, kinh doanh chứ chưa đến lúc nới lỏng để vui chơi, giải trí. Bỏ giãn cách để người dân lưu thông làm ăn, phát triển kinh tế chứ không phải là ra đường vui chơi. Điều này đặt ra yêu cầu với thành phố cần phải có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động này tái diễn. Nới lỏng trong bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi mà phải luôn kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch.

Mặc dù, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên nhưng cần ý thức rằng việc tiêm vaccine chỉ giúp chúng ta hạn chế diễn biến nặng khi mắc Covid-19 chứ không phải hoàn toàn miễn nhiễm. Độ tiêm phủ mũi 1 cho người dân ở Hà Nội cũng mới chỉ được hoàn thành, cần có thời gian để cơ thể sinh miễn dịch. Tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, ở mức thấp.

Tất nhiên, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách xã hội. Nhưng muốn bình thường trở lại, giữ được thành quả chống dịch, rất cần ý thức của mỗi người dân. Chống dịch không thể phó mặc cho chính quyền, cho các lực lượng chức năng và đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi người cần tiếp tục thực hiện tốt 5K; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi ngờ thì phải báo cáo cơ quan y tế và xét nghiệm ngay.

Đặc biệt, những người đi, đến, ở những vùng có dịch về địa phương cần phải khai báo kịp thời với tổ Covid-19 cộng đồng và chính quyền địa phương. Từ đó, nhanh chóng đưa người đó đi xét nghiệm sàng lọc, cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Khi phát hiện những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.

(Theo anninhthudo.vn)

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.