Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với vai trò là Thủ đô của đất nước, trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và nhà nước thành các kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt là các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Trong việc xây dựng xã hội học tập, Thành phố rất chú trọng việc phát triển văn hóa đọc. Bởi đây là một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được truyền lại qua hàng nghìn năm, kết tinh từ tri thức và cuộc sống.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại đang làm giảm thói quen đọc sách của giới trẻ

Ngày 2/10, tại Trường THCS giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024. Tuần lễ năm nay diễn ra từ nay tới ngày 7/10 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 1
Đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Phát động Tuần lễ học tập, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Chủ trương xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là một chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Trong việc xây dựng xã hội học tập, không thể không nói đến việc đọc sách. Đọc sách là cách học tốt nhất để tiếp thu nền văn hóa của thế giới, là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đọc sách là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa thế giới đương đại bước vào kỷ nguyên số. Lần đầu tiên, một không gian ảo ở quy mô toàn cầu được định hình, tồn tại và ngày càng đan xen chặt chẽ với không gian thực, với khả năng kết nối mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn địa lý của mọi quốc gia. Điều này có tác động không nhỏ đến thói quen đọc sách của mỗi người. Việc đọc sách đã không còn giới hạn ở những cuốn sách bằng giấy mà người đọc có thể tìm kiếm tri thức ở những cuốn sách điện tử; việc lưu trữ không nhất thiết phải trên những chiếc giá sách cồng kềnh trong thư viện truyền thống mà có thể được lữu trữ trên không gian mạng, dễ dàng kết nối mọi quốc gia và việc tìm kiếm chỉ cần một cái kích chuột.   

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện ích của công nghệ số, sự phát triển của công nghệ hiện đại cũng làm giảm thói quen đọc sách của nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 2
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng.

Thế nhưng, sau 10 năm - thói quen đọc sách của người Việt rất ít tiến triển dù lượng sách phát hành năm sau cao hơn năm trước. Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.  

“Đây là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ. Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Chính vì vậy, những năm qua, các dự án, chương trình, các cuộc vận động của nhiều tổ chức diễn ra dưới các hình thức như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Trạm đọc, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc … nhằm tăng thêm niềm đam mê và sự yêu thích đọc sách của các bạn trẻ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra vẫn chưa đồng đều ở tất cả các địa phương cũng như ở các trường học” – Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay là Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời. UNESCO đã nỗ lực không mệt mỏi trong lĩnh vực này cùng với Liên đoàn Quốc tế các Hội và cơ quan thư viện (IFLA). Chúng tôi đã xuất bản và phổ biến Tuyên ngôn Thư viện Trường học và Tuyên ngôn Thư viện Công cộng để thúc đẩy niềm yêu thích với sách và đọc sách, đồng thời tôn vinh sách – sách như một sợi dây liên kết giữa quá khứ và tương lai, và sách cũng chính là cây cầu nối giữa các thế hệ và giữa các nền văn hóa. Hàng năm, UNESCO cũng hợp tác với ba lực lượng chính của ngành sách – bao gồm nhà xuất bản, các hiệu sách và thư viện để kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23 tháng 4), cùng nhiều sáng kiến khác liên quan trong giáo dục, truyền thông và thông tin”.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 3
Các đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu sách trong lễ phát động.

Hà Nội tích cực hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời

Với vai trò là Thủ đô của đất nước, trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và nhà nước thành các kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt là các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TU đã đặt mục tiêu: đến năm 2025 Hà Nội đăng ký trở thành thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của Unesco. Muốn đạt được mục tiêu trên chúng ta cần thực hiện rất nhiều tiêu chuẩn mà trong đó hầu hết các tiêu chí và chỉ số có liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, Lễ khai mạc và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” được tổ chức, với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 4
Các em học sinh đọc sách điện tử trong lễ phát động.

Lễ khai mạc được tổ chức tại quận Ba Đình - một đơn vị giáo dục có nhiều thành tích tốt về phát triển giáo dục toàn diện của Thủ đô, được Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Quận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển giáo dục, với hy vọng cuộc phát động toàn dân học tập suốt đời sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp, những thành công rực rỡ.

Đồng chí Trần Thế Cương đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, các cơ sở giáo dục, các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn Thành phố ủng hộ, quan tâm, đầu tư để giáo dục phát triển bền vững; tạo điều kiện để Ngành GD&ĐT Thủ đô có những bước phát triển vượt bậc về công tác giáo dục, học tập suốt đời, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Chính phủ.

Sự phát triển của một xã hội không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế, mà còn nằm ở tri thức, sự hiểu biết, và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của từng công dân. Chính tri thức mới là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một đất nước giàu mạnh và văn minh. Học tập suốt đời không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà còn là sứ mệnh của cả một quốc gia.

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, đồng chí Phạm Thị Diễm, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, khi tri thức và công nghệ phát triển không ngừng, văn hóa đọc trở thành công cụ đắc lực giúp chúng ta tiếp cận tri thức mới, nuôi dưỡng tinh thần tự học và từ đó xây dựng xã hội học tập. Sách là kho tàng tri thức vô giá, mở ra những chân trời mới, mang đến cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh và cả chính mình.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 5
Các em học sinh đọc sách trong lễ phát động.

Đồng chí Phạm Thị Diễm cho biết, hưởng ứng học tập suốt đời năm nay, chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời”, UBND quận Ba Đình đã phát động những nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức, triển khai các hoạt động của Tuần lễ với các hình thức phù hợp, hiệu quả; nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực như Tổ chức các Hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận;

Tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng; tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm... nhằm khuyến khích học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người dân đọc sách; phát động học sinh, nhân dân tổ chức góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường khó khăn.

Tiếp tục thực hiện tổ chức các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình.

Huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường khó khăn; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa,giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Ông Jonathan Wallace Baker cho biết: “Tôi cũng rất vui mừng khi biết rằng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng quan tâm đến việc nộp đơn xin trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu, một mạng lưới năng động, mang tính định hướng chính sách được thành lập để cung cấp cho các thành phố học tập nguồn cảm hứng, phương thức và các mô hình thực tiễn tham khảo tốt nhất”.

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời - ảnh 6

Ông Jonathan Wallace Baker khẳng định UNESCO sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ Việt Nam và Thành phố Hà Nội trong hành trình biến học tập suốt đời trở thành hiện thực cho tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, hoàn cảnh và địa vị nào.

Một trong những hoạt động phát triển văn hóa đọc được TP Hà Nội chú trọng đó là tổ chức Hội sách Hà Nội hằng năm. Mới đây, tối 27/9, Hội Sách Hà Nội lần thứ IX-năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” đã khai mạc tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm. 

Hội Sách Hà Nội lần thứ IX-năm 2024 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, phát huy những giá trị văn hiến Thăng Long-Hà Nội với rất nhiều hoạt động ý nghĩa.

 

Tin cùng chuyên mục

Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước

Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước

(PNTĐ) - Là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn và những câu chuyện lịch sử giá trị nhất về Hai Bà Trưng, đền Hát Môn ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ với 3 điển tích: Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa; sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân; cuối cùng, Hai Bà về gieo mình xuống dòng sông Hát để bảo toàn tiết hạnh.
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 phục vụ người dân Thủ đô

Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 phục vụ người dân Thủ đô

(PNTĐ) - 70 gian hàng sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của khoảng 50 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 15 tỉnh, thành là Hưng Yên, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa…) đã có mặt tại Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.