Hà Nội sẵn sàng phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố do bão

Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Ngay từ bây giờ trên khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện các đợt mưa dông mạnh bất chợt. Những đợt dông mạnh trước bão đã từng xảy ra trong lịch sử có thể làm đổ cột điện, đổ cây rất nguy hiểm…" Đó là thông tin cảnh báo được ông Đinh Hữu Dương - Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đưa ra khi nói về siêu bão số 3.

Gió ở khu vực Hà Nội có thể đạt cấp 7, giật cấp 9

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, lúc 7h ngày 7/9/2024, bão số 3 cách Quảng Ninh – Thái Bình khoảng 150km, sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ từ 15 – 20 km/h.

Hà Nội sẵn sàng phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố do bão - ảnh 1
Hướng di chuyển bão số 3 (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia).

Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9).

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh

Ông Dương cho biết, TP. Hà Nội nằm sâu trong lục địa nên có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3 Yagi từ sáng và trưa 7/9. Gió ở khu vực Hà Nội khả năng đạt cấp 5 - cấp 6 và vào thời điểm bão tác động mạnh nhất có thể đạt cấp 7, giật cấp 9.

"Cũng do ảnh hưởng của bão, Hà Nội sẽ đối mặt với một đợt mưa lớn, tập trung chủ yếu trong 2 ngày từ 7 - 8/9. Tuy nhiên, theo lưu ý từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cần cảnh giác do ảnh hưởng của rìa xa cơn bão”, ông Dương nói.

Ông Đinh Hữu Dương cảnh báo thêm, mưa ở Hà Nội dự báo sẽ tập trung trong thời gian không dài nên có thể gây ra hiện tượng quá tải trong việc thoát nước; khả năng xuất hiện ngập lụt ngập úng trong khu vực nội thành. Thời gian có thể kéo dài từ 30 - 40 phút hoặc lâu hơn tùy theo diễn biến thực tế. Các vùng ngoại thành, vùng trũng thấp cũng có thể xuất hiện ngập lụt.

"Đặc biệt chúng tôi lưu ý với cường độ mưa như vậy các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ với biên độ lũ 1 - 3m. Sông Tích, sông Bùi có thể xuất hiện lũ báo động 3. Vùng trũng thấp tại Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu dài ngày như từng xảy ra do ảnh hưởng của bão số 2" - ông Dương khuyến cáo.

Sẵn sàng, cơ động ứng phó bão số 3

Ngay từ chiều ngày 6/9, tại Thủ đô đã xuất hiện nhiều cơn giông lốc kèm theo mưa lớn khiến hàng trăm cây xanh bị đổ, nguy cơ xảy ra ngập úng tại nhiều địa điểm. Thành phố đã huy động hàng nghìn người, hàng trăm phương tiện ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố gãy đổ cây, ngập úng. Cùng với đó triển khai phương án hạ mực nước các hồ xuống thấp hơn mực nước khống chế theo quy định từ 5 - 50cm để tăng dung tích nước chứa, phục vụ cho điều tiết thoát nước khi có mưa lớn.

Hà Nội sẵn sàng phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố do bão - ảnh 2
Lực lượng dân quân tại chỗ quận Long Biên phối hợp cùng với người dân khắc phục những cây xanh bị đổ chiều 6/9 do ảnh hưởng bão số 3.

Hơn 500 người đã được huy động cùng với Công ty Công viên cây xanh Hà Nội sẵn sàng cho việc xử lý đổ cây gãy cành. Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Trong kịch bản, dự kiến khoảng 500 cây có khả năng gãy đổ. Việc khắc phục, thực hiện công tác thông đường từ 1 - 2 ngày với điều kiện thời tiết cho phép. Và công tác khắc phục hậu quả từ 5 - 7 ngày”.

Với lượng mưa dự báo, ước tính TP. Hà Nội sẽ có khoảng 30 điểm úng ngập. Khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội cùng thiết bị sẽ túc trực để giải quyết các tình huống phát sinh.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: ''Với vùng trũng, những điểm như hầm chui, chúng tôi cũng đã tăng cường bơm di động để hạn chế thấp nhất úng ngập''.

Bên cạnh đó, nhiều lực lượng tại các quận huyện của TP. Hà Nội cũng tham gia chống bão số 3. Chiều ngày 6/9, trên địa bàn quận Long Biên có nhiều cây cổ thụ đổ la liệt. Ban Chỉ huy quân sự quận Long Biên đã huy động cán bộ, nhân viên cơ quan và Trung đội dân quân cơ động tại các phường có cây xanh bị đổ nhanh chóng cắt tỉa, di chuyển cây gãy đổ, phối hợp với công an phân luồng giao thông, giúp nhân dân phòng, chống siêu bão đang đổ bộ vào đất liền. 

Hà Nội sẵn sàng phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố do bão - ảnh 3
Để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân trước sức mạnh của bão số 3, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng ứng phó với phương châm sẵn sàng cơ động.

Để chủ động ứng phó với mọi tình huống của siêu bão trên địa bàn, Ban Chỉ huy quân sự quận Long Biên đã duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng cơ động, chuẩn bị đầy đủ trang bị, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng và đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống, giúp nhân dân ứng phó với siêu bão số 3, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

Trên địa bàn quận Hà Đông chiều ngày 6/9 cũng có nhiều cây xanh bị đổ, Ban Chỉ huy quân sự quận đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các phường cử lực lượng dân quân thường trực (tổng số 39 dân quân và chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự các phường) phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ dân phố tiến hành chặt cây gãy đổ, đảm bảo giao thông được thông suốt, hạn chế tắc đường giờ tan tầm.

 

Tin cùng chuyên mục

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức

(PNTĐ) - Ngày 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tọa đàm trực tuyến “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”

Tọa đàm trực tuyến “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”

(PNTĐ) - Tọa đàm “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai” nhằm làm rõ những khó khăn, thách thức, cũng như đề xuất những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu nói trên. Ban tổ chức cùng các khách mời sẽ chia sẻ về định hướng phát triển của xe buýt Hà Nội trong tương lai, mà ở đó, xe buýt - một loại hình vận tải hành khách công cộng phổ biến, gắn với hình ảnh văn minh, thân thiện và hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến cảnh quan môi trường.
Vi phạm ở bãi tập kết than, cát ở xã Trung Mầu (Gia Lâm): Phải chăng xử lý “nửa vời”?

Vi phạm ở bãi tập kết than, cát ở xã Trung Mầu (Gia Lâm): Phải chăng xử lý “nửa vời”?

(PNTĐ) - Mặc dù UBND huyện Gia Lâm ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý đối với vi phạm ở bãi tập kết vật liệu xây dựng, nghiền than ở bờ sông Đuống thuộc địa phận xã Trung Mầu, đặc biệt là thực hiện ngay ngừng cung cấp điện đối với vi phạm, nhưng sau hơn 3 tháng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, còn có dấu hiệu hoạt động trở lại. Liệu chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng có “ngó lơ” cho vi phạm?