Hà Nội tập trung nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa

Chia sẻ

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử. Ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuống cấp.

Công viên Thống Nhất - sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, đến nay nhiều hạng mục của công viên đã hư hỏng, không còn đảm bảo an toàn cho du khách đến đây. Tại một số khu vực, hệ thống cửa và những hàng rào sắt xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc. Một số đoạn đường đi bộ bị hư hỏng, lồi lõm, nứt toác.

Nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng đã xuống cấp. Tại khu vui chơi dành cho trẻ em, thảm cỏ nhân tạo nhiều vị trí đã bị rách, bong tróc từng mảng lớn, không còn tác dụng bảo vệ cho trẻ trong quá trình vui chơi. Vì thế, đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị rách chân, tay, chảy máu…

Khu thảm cỏ nhân tạo trong Công viên Cầy Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị xuống cấp, bong tróc, hư hỏng 	Ảnh: Phùng ĐôKhu thảm cỏ nhân tạo trong Công viên Cầy Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị xuống cấp, bong tróc, hư hỏng  Ảnh: Phùng Đô

Quận Hoàn Kiếm có 14 vườn hoa đóng vai trò vừa là sân chơi, vườn hoa công cộng, vừa là đảo giao thông hình tam giác rất đặc trưng của lối quy hoạch và kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, hầu hết cũng đều đã xuống cấp. Điển hình như vườn hoa Diên Hồng (còn gọi là vườn hoa Con Cóc), chân đài phun nước bị rò rỉ, ngấm chảy nước lênh láng ra khu vực xung quanh; thân tượng đài được chằng buộc bởi các thanh sắt; gạch lát tại các đường dạo nhiều nơi bị vỡ, bong tróc...

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, thời gian qua, Thành phố đã cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp cho một số công viên, vườn hoa, như: Bách Thảo, Thành Công, Thống Nhất, Thủ Lệ, Trúc Bạch... Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa chủ yếu mang tính khắc phục cục bộ, chứ chưa mang lại diện mạo mới khang trang, tương xứng với sự phát triển của thành phố.

Việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố là một trong những chỉ tiêu quan trọng tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có, trong đó có 3 công viên và 10 vườn hoa ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan (mức độ 1); 10 công viên và 22 vườn hoa cải tạo, sửa chữa mức độ 2.

Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 6 công viên mới, các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của UBND thành phố, tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hoặc đề xuất đầu tư công các công viên, vườn hoa thuộc danh mục xây dựng đợt đầu theo quy hoạch cây xanh.

Trước đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh việc khắc phục cục bộ tình trạng xuống cấp tại một số công viên, giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đầu tư cải tạo, nâng cấp kiến trúc cảnh quan một số công viên, vườn hoa bằng nguồn kinh phí của quận. Hiện, các công trình trên đã hoàn thành, có diện mạo cảnh quan đẹp, hiện đại, khang trang... tạo điểm nhấn cho đô thị.

LINH NAM

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.