Hà Nội tập trung ứng phó lũ rừng ngang
(PNTĐ) - Bão số 3 khiến 4 huyện của TP. Hà Nội gồm: Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP. Hà Nội vừa có văn bản số 146/BCH ngày 7/9/2024 về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Công văn nêu rõ: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to đến rất to, mực nước sông Tích, sông Bùi đang lên nhanh có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội đề nghị Ban Chỉ huy (PCTT và TKCN các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tăng cường triển khai một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm các điện, công điện, văn bản chỉ đạo: của Thành ủy tại Điện ngày 05/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3; Thông báo số 1863-TB/TU ngày 06/9/2024 thông báo kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3; của UBND Thành phố tại các Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 và số 11/CĐ-UBND ngày 06/9/2024; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố tại Văn bản số 141/BCH ngày 03/9/2024; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2803/SNN-TLPCTT ngày 06/9/2024 về việc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3.
2. Tăng cường theo dõi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố; kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, các công trình đê điều và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
3. Chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố theo quy định.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, vào hồi 17h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.3 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương; Sức gió mạnh nhất: Cấp 11 - 12 (103 - 133km/h), giật cấp 15.
Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 00h đến 16h ngày 7/9 có nơi trên 100mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171mm, Phủ Dực (Thái Bình) 153mm, Xuân Thủy (Nam Định) 127mm,…
Từ chiều tối 7/9 đến sáng ngày 8/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80 - 200mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Chiều và đêm 8/9: Có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Phía Tây Bắc Bộ: từ chiều tối 07/9 đến sáng 09/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.