Hiến đất, tặng kinh phí làm đường, xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ

Năm nay, bà Lưu Thị Phẩm bước sang tuổi 87. Với tấm lòng nhân ái thương người cùng nhiều việc làm nhân văn, ý nghĩa, sẻ chia vì cộng đồng, bà luôn được nhân dân trong làng, trong xã yêu mến và kính trọng. Năm 2020, bà Lưu Thị Phẩm được UBND thành phố Hà Nội tôn vinh là Công dân Thủ đô Ưu tú.

Bà Lưu Thị Phẩm sinh ra ở thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh - vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, quê hương của Hai Bà Trưng anh hùng. Được nuôi dưỡng trong môi trường giàu truyền thống cách mạng, với tấm lòng yêu nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Phẩm đã tích cực tham gia dân công hỏa tuyến. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, bà trở về quê hương, chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, nuôi dạy các con cháu khôn lớn, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Vốn là vùng quê nghèo, nằm ở khu đất bãi sông Hồng, người dân xã Hoàng Kim chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khu vực xóm 2 - nơi gia đình bà Phẩm sinh sống là vùng trũng; con đường từ đê vào xóm vừa thấp vừa hẹp nên cứ mưa xuống là nước ngập lụt. Đặc biệt vào những ngày bão, có thời điểm nước lớn dâng lên cao, xóm 2 như đảo nhỏ bị cô lập bởi nước úng xung quanh, bà con phải dùng thuyền bè đi lại… Chứng kiến cảnh bà con di chuyển vất vả, được sự đồng ý của xã và sự đồng thuận của bà con trong xóm, năm 2013, gia đình bà Phẩm đã bỏ kinh phí hơn 100 triệu đồng thuê xe chở vật liệu để san phẳng và tôn cao nền đường, khắc phục khó khăn do ngập úng gây ra, phục vụ nhu cầu giao thông thiết yếu của nhân dân.

Bà Lưu Thị Phẩm.Bà Lưu Thị Phẩm.

Năm 2015, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được xã Hoàng Kim phát động. Bà Phẩm đã đề xuất với Đảng ủy - HĐND - UBND xã; chi bộ, tổ dân phố và các gia đình trong xóm hiến đất mở rộng lòng đường. Trong quá trình vận động, thuyết phục, không phải hộ dân nào cũng đồng thuận với chủ trương trên. Một số gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn nên e ngại, sau khi hiến một phần nhà (công trình phụ, tường rào, cổng nhà, chuồng trại chăn nuôi…) sẽ phải mất thêm khoản kinh phí sửa sang nhà cửa.

Trước thực trạng trên, để việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn được thuận lợi, bà Phẩm đã quyết định dành số tiền tích luỹ của mình để hỗ trợ các gia đình trong xóm xây sửa lại nhà cửa sau khi hiến đất. Trước đó, bà trao đổi ý định của mình với gia đình, các con của bà cũng có đôi chút tâm tư, phân vân bởi số tiền xây dựng cho 17 gia đình trong xóm quả là không nhỏ; cả cuộc đời bà lao động vất vả mới dành dụm khoản tiền để dưỡng già. Song, nhận thức được ý nghĩa nhân văn sâu sắc trước việc làm vì cộng đồng của mẹ, các con cháu bà đã hoàn toàn ủng hộ.

Được bà Phẩm hỗ trợ kinh phí sửa lại nhà cửa sau khi hiến đất, bà con nhất trí, đồng thuận ký biên bản hiến 550m2 đất. Nhà nào hiến đất xong là bà Phẩm bỏ tiền thuê máy móc, nhân công… vào làm ngay, bất kể là sáng hay chiều. Các công trình được xây, sửa lại này đều được bà yêu cầu thợ thực hiện phải đẹp và đồng bộ hơn trước với tổng chi phí xây dựng là hơn 1,2 tỷ đồng. Vì thế, con đường làng ở xóm 2 được tôn cao 20m, mở rộng mặt đường, đổ bê tông kiên cố, hệ thống thoát nước thải được xây dựng bảo đảm vệ sinh môi trường. Tường rào của các hộ mất đất được xây dựng mới đồng bộ theo một mẫu từ chân đê sông Hồng vào khu dân cư.

Bà con trong thôn, trong xã rất phấn khởi khi được đi lại trên con đường mới, rộng rãi và an toàn. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên; thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ, đường làng ngõ xóm. Một số hộ gia đình còn trồng cây hoa, cây bóng mát trước cửa nhà góp phần làm cho diện mạo nông thôn Hoàng Xá ngày càng được cải thiện, khang trang và sạch đẹp hơn.

Người hạnh phúc và mãn nguyện nhất là bà Lưu Thị Phẩm, ước nguyện lâu nay về con đường to đẹp để các cháu học sinh được tung tăng cắp sách đến trường, để các ông bà cao tuổi hàng ngày đi dạo không bị trơn trượt đã thành hiện thực. “Quê hương khởi sắc thay đổi từng ngày tôi thấy lòng mình vui, phấn khởi và mong xã hội sẽ có thêm nhiều tấm lòng thơm thảo hơn nữa ủng hộ việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” - bà Lưu Thị Phẩm cho biết.

Không chỉ tích cực với phong trào hiến đất làm đường, bà Lưu Thị Phẩm cùng gia đình còn nhiệt tình tham gia công tác nhân đạo từ thiện, ủng hộ các phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lá lành đùm lá rách”; tặng 56 suất quà Tết trị giá 56 triệu đồng cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid -19 ủng hộ Bệnh viện đa khoa Mê Linh 600 bộ quần áo bảo hộ, gần 5.000 khẩu trang y tế.

Chị Nguyễn Thị Chinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Kim, cháu nội của bà Lưu Thị Phẩm rất tự hào về việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn vì cộng đồng của bà nội. “Bà đã để lại cho con cháu một “tài sản” lớn, có giá trị lâu dài, đó là con đường làng rộng rãi, sạch đẹp. Quan trọng hơn, qua việc làm của mình, bà đã gieo vào tâm hồn các con cháu những hạt giống nhân ái và nuôi dưỡng những tình cảm thiện lương, lòng nhân ái, giá trị nhân văn cao đẹp, cách quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh như bà đã tâm nguyện thực hiện”.        

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.