Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước và tầm nhìn thời đại

Chia sẻ

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công trong điều kiện diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ cách đây 110 năm đã mở đầu cho những thay đổi lớn lao của dân tộc Việt NamHành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ cách đây 110 năm đã mở đầu cho những thay đổi lớn lao của dân tộc Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)

Quyết định lịch sử thể hiện tầm nhìn thời đại

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Cuộc hành trình đã trải qua 3 đại dương, 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều tầng lớp, nhiều nền văn minh, văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Có lẽ, vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy. Quyết định lịch sử của Người đã thể hiện một tầm nhìn thời đại, thể hiện sự nhìn nhận và phân tích tình hình cách mạng Việt Nam và thế giới của một vĩ nhân.

Trước bối cảnh trong nước, sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường cứu nước của những người tiền nhiệm nhanh chóng đi đến thất bại. Nhưng để tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc giành được độc lập, tự do còn thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Người.

Với một sự nhạy cảm đặc biệt, một tầm nhìn thời đại cộng với tư duy chiến lược để phân tích tình hình trong nước và thế giới, Nguyễn Tất Thành đã quyết định sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu gốc rễ của chủ nghĩa tư bản và cũng là nơi ra đời của các học thuyết cai trị, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Cách lựa chọn con đường của Người thể hiện sự sáng tạo, đột phá và rất riêng so với sự lựa chọn của những nhà cách mạng tiền bối. 

Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. 

Với tầm nhìn thời đại, Người đã dự báo được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra. Sau này, Người đã vận dụng sáng tạo và phù hợp vào thực tiễn Việt Nam.

Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh đã tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam, tiêu biểu cho ý chí sắt đá và quyết tâm giải phóng dân tộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và cũng là thể hiện tầm nhìn thời đại của một chính khách lớn.

Vận dụng tầm nhìn của Người để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước

Ngày nay, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Việc tìm ra con đường để phát triển đất nước một cách toàn diện và khẳng định Việt Nam trên trường quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm để đáp ứng niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân. Chính vì vậy, ý nghĩa thời đại của hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Vận dụng hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển đất nước hiện nay, Đại hội XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Điểm lại hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta - những con dân đất Việt một lần nữa thêm tự hào về Người, khẳng định bản lĩnh và tầm nhìn thời đại của Người. Từ đó, chúng ta quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm đưa đất nước ta vững bước trên con đường phát triển sánh vai với bè bạn năm châu. Đó cũng chính là thể hiện quyết tâm khẳng định vị thế của đất nước ta, một Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như hôm nay”.

 TS TỐNG ĐỨC THẢO

 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.