Hồ Chí Minh - Người thầy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta mà còn là một nhà báo cách mạng tài ba, là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Phong cách viết báo và làm báo của Người đã trở thành di sản quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962) (Ảnh tư liệu).
Làm báo theo tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh
Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trong những năm tháng đầu tiên của cuộc hành trình ấy, Nguyễn Tất Thành đã chú ý đến việc học viết báo và làm báo, bởi nhận thấy báo chí là phương tiện quan trọng trong quá trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Vì thế, năm 1917 khi đặt chân lên nước Pháp, Nguyễn Tất Thành đã học cách viết báo dưới sự hướng dẫn tận tình của Longuet (cháu ngoại Karl Marx) hiện đang làm việc tại báo Sinh hoạt công nhân.
Năm 1921, Nguyễn Tất Thành với bí danh là Nguyễn Ái Quốc đã cùng với một số nhà hoạt động yêu nước thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội được thành lập và xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành nhân vật nòng cốt của tờ báo với vai trò vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên kiêm việc tổ chức, quản lí, phát hành 38 bài viết cho báo này.
Năm 1925 được xem là năm đánh dấu cho sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh Niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) và xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Báo Thanh Niên được xem là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Bởi theo quan điểm của Người, thanh niên bấy giờ là tầng lớp được giáo dục, giác ngộ đầu tiên, là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Cũng như tờ Le Paria, trên tờ Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày, viết các bài chính luận sâu sắc. Những số báo Thanh Niên xuất bản sau đó đã được nhiều nhà cách mạng chuyển về trong nước bằng nhiều con đường khác nhau, truyên truyền thức tỉnh tinh thần yêu nước của người Việt lúc bấy giờ. Người trực tiếp quản lý, giảng dạy, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và tham gia viết bài, ra được 88 số, đào tạo 300 cán bộ, phóng viên.
Nhận thấy báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục sáng lập thêm các tờ báo khác như: báo Công nông giành cho giai cấp chủ chốt của cách mạng (tháng 12/1926), báo Lính kách mệnh - tiền thân của báo Quân đội nhân dân (tháng 12/1927). Năm 1941, sau khi về nước hoạt động, Người đã cho ra báo Việt Nam độc lập và ra báo Cứu Quốc từ năm 1942. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Người chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam.
Xuyên suốt trong quá trình hoạt động báo chí cách mạng, Hồ Chủ tịch đã có nhiều bút danh ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc trên các tờ báo nước ngoài cũng như báo chí trong nước với các bài viết chính luận sâu sắc. Có thể kể đến các bút danh như: bút danh Albert de Pouvourville trên báo Điện tín Thuộc địa có truyền đơn trích đoạn từ nhiều tờ báo có liên quan tới vấn đề Đông Dương. Bút danh Nguyễn A.Q. trên các bài báo đăng trên báo Người Tự Do, ngày 7 đến 10/1921. Bút danh Nguyễn A.Q. được ký dưới tranh biếm họa ngày 1 tháng 8 năm 1926. Bút danh Culixe trong bài viết trên L’Humanité ngày 18 tháng 3 năm 1922. Bút danh N.A.Q ký trên báo Le Paria và L’Humanité từ 1922-1930. Bút danh Vương Sơn Nhi, Trương Nhược Trừng, Mộng Liên viết trên báo Thanh Niên. Bút danh X dùng trong các năm 1926, 1927...
Viết cho ai? Viết để làm gì?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có trên 2.000 bài báo thuộc nhiều thể loại, nhiều thứ tiếng khác nhau trong hơn 50 năm tham gia viết báo, làm báo cách mạng. Quan điểm nhất quán về báo chí cách mạng của Người là: phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Với người, mục đích của mỗi bài báo khi được viết ra đều phải trả lời được ba câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Do đó, ngôn ngữ báo chí thể hiện trong các bài cáo của người đều giản dị, bình dân, dễ hiểu, phong cách đa dạng, hấp dẫn, vừa gần gũi nhưng cũng vừa sâu sắc.
Tuần báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập Ảnh tư liệu
Quan điểm làm báo đó đã được truyền dạy lại cho thế hệ học làm báo thiển hiện sinh động bằng chính các tác phẩm Người viết, cũng như những căn dặn, chỉ đạo trong các vấn đề liên quan đến công tác báo chí. Năm 1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên), Người viết: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Và tư tưởng, quan điểm này được Người nhắc nhở một lần nữa tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959): “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có đặc điểm riêng của nó”.
Do đó, viết báo và làm báo theo phong cách của Hồ Chí Minh, điều đầu tiên là viết báo phải có căn cứ. Người căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Người yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục, không được chủ quan, suy đoán, phải có điều tra, nghiên cứu kỹ, nếu không như thế thì không nên viết. Người luôn dặn: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.
Người viết báo phải có phong cách viết ngắn gọn, giản dị. Theo Người, “nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Cách viết phải sinh động, lôi cuốn vì đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc. Ngoài ra, người viết báo còn phải viết thẳng thắn, có tính chiến đấu. Muốn viết được như vậy, người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, có tinh thần dũng cảm bảo vệ cái đúng, tránh việc bẻ cong ngòi bút.
Bên cạnh người viết báo thì người làm báo là cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ mới có thể có những tác phẩm báo chí chất lượng. Đó là đội ngũ người in báo, sửa báo, phát hành báo… Người lấy dẫn chứng: "Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu hoặc in mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là “ngư dân”, rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hóa ra “ngu dân”. Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng…Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... đều phải ăn khớp nhau".
Nhà báo là chiến sĩ, cây bút, trang giấy là vũ khí
Một trong những tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động báo chí đó là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng. Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Người luôn đòi hỏi các nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức tốt, trong sáng.
Theo Người: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Vì thế, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để “phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Người làm báo còn phải luôn nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình để “phò chính trừ tà”.
Người cũng cho rằng: Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng; Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Đường lối chính trị đúng là ngọn đuốc soi sáng cho báo chí cách mạng thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình nên không thể có báo chí đứng ngoài chính trị, phi chính trị.
Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”.
Trải qua 95 năm, quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn là kim chỉ nam trong quá trình đổi mới, phát triển của báo chí Việt Nam, là nền tảng đạo đức để các nhà báo, người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để trở thành những nhà báo "Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc" được nhân dân tin tưởng, xã hội tôn trọng, yêu mến.
HẠ THI