Khách hàng tố An Việt Clinic đưa người không có chuyên môn chữa bệnh cho trẻ em
(PNTĐ) - Chị Nga lo sợ con gái 4 tuổi rơi vào tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng khi có biểu hiện sốt cao li bì khi đi điều trị da liễu tại An Việt Clinic (68 Tô Hiến Thành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Tự xưng bệnh viện có phòng khám da liễu
Đầu tháng 9/2024, vợ chồng chị Lương Thị Nga (trú tại 286 Nguyễn Xiển, H. Thanh Trì, TP. Hà Nội) có đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ nhiều dấu hiệu hoạt động vi phạm quy định pháp luật tại một cơ sở tự xưng là phòng khám với tên An Việt Clinic tại địa chỉ số 68 Tô Hiến Thành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Theo chị Nga, con gái 4 tuổi của chị thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nấm ngứa ở chân khiến cháu bé luôn trong cảnh khó chịu. Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội facebook, chị thấy có trang với tên “Phòng khám Chuyên khoa An Việt – Điều trị dứt điểm vảy nến số 1 Việt Nam” với những lời quảng cáo khẳng định chuyên môn, uy tín, cam kết điều trị dứt điểm 90% vảy nến chỉ sau một liệu trình…
“Tôi nhắn tin liên hệ với đơn vị này qua facebook và được nhân viên gọi điện thoại tư vấn. Người này giới thiệu đây là “viện”, tôi hỏi lại thì họ nói đây là “bệnh viện” và “trong bệnh viện có phòng khám”, địa chỉ tại 68 Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội…”, chị Nga cho biết.
Tin tưởng vào lời tư vấn trên, ngày 31/8/2024, vợ chồng chị Nga đưa con gái đến địa chỉ 68 Tô Hiến Thành, phường Nguyễn Du để thăm khám. Tại đây, nhân viên cơ sở yêu cầu vợ chồng chị thanh toán phí chữa bệnh 8 triệu đồng, tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng Techcombank đứng tên cá nhân N.K.L.
Sau khi nộp đủ số tiền như nhân viên tư vấn yêu cầu, vợ chồng chị Nga nhận lại được một phiếu thu, thể hiện rõ đơn vị thụ hưởng là An Việt Clinic và một bản cam kết sau liệu trình điều trị con gái chị sẽ phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt, trong bản cam kết này cơ sở còn thể hiện rất rõ đây là “phòng khám”.
Con gái chị Nga được đưa vào một căn phòng kín, bên trong có 2 nhân viên của An Việt Clinic. Trong đó, người nam giới mặc áo màu trắng, người nữ giới mặc áo màu tím. “Những người này đều không thể hiện mình là bác sĩ hay đeo bảng tên…Tại đây, con gái tôi được một người mặc áo tím tiêm vào phần chân bị nấm ngứa và chiếu tia laser và bôi một loại kem lên da”, chị Nga kể.
Sau khi điều trị về thì con gái chị Nga bị mẩn ngứa khắp vùng điều trị, toàn thân nóng sốt và có hiện tượng phỏng rát, bỏng rộp tại vùng chân (khu vực điều trị). Kèm theo đó, cháu bé có biểu hiện sốt cao li bì kèm theo quấy khóc.
Lo lắng cho tình trạng của con gái, chị Nga có liên hệ với bên An Việt Clinic nhưng không nhận được phản hồi thoả đáng. Lúc này, vợ chồng chị mới tìm hiểu thêm thì phát hiện cơ sở này không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của cơ quan chức năng cấp, người điều trị cho con gái anh chị cũng không phải là bác sĩ hay nhân viên y tế; các máy móc, thiết bị mà An Việt Clinic chiếu lên cơ thể con gái anh chị cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được Bộ Y tế cho phép hoạt động…
Kiểm tra có lộ ra sai phạm?
Theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành năm 2011 quy định, phạm vi hoạt động của các cơ sở làm đẹp thì chỉ bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu mới được phép ứng dụng laser và các dịch vụ làm đẹp, điều trị. Đây là những đơn vị có bác sĩ đứng tên, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân sự và những điều kiện về mặt pháp lý như Giấy phép kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề…
Ngoài ra, Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 9/8/2013 của Bộ Y tế ban hành còn quy định rất rõ: Người sử dụng laser cần có chứng nhận theo quy định về đào tạo liên tục được Sở Y tế cấp. Như vậy, điều kiện để được sử dụng laser điều trị da liễu thẩm mỹ phải là bác sĩ và có chứng chỉ đào tạo laser do các đơn vị được quy định cấp phép.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định: Các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám được cấp phép hoạt động và ứng dụng laser phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có bác sĩ được cấp chứng chỉ ứng dụng laser và điều trị da; Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện, phòng khám phải có thời gian ứng dụng laser ít nhất là 54 tháng; Thiết bị laser đạt chuẩn, được kiểm định an toàn, chất lượng bởi Bộ Y tế hoặc chứng minh bằng các giấy tờ liên quan như FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ); Có quy trình điều trị được phê duyệt bởi Bộ Y tế và có đủ thiết bị, dụng cụ, sản phẩm đảm bảo quy trình đạt hiệu quả…
Quy định chặt chẽ là thế nhưng chị Nga nêu rõ trong đơn: “Cơ sở (An Việt Clinic) điều trị cho người bệnh, thậm chí là điều trị cho trẻ em chưa đủ 4 tuổi bằng laser mà không được Sở Y tế cấp giấy phép, người điều trị không phải là bác sỹ, trang thiết bị thì không đáp ứng yêu cầu nhưng lại ngang nhiên hoạt động, truyền thông rầm rộ ngay trong lòng trung tâm thành phố như thế này thì thiết nghĩ vai trò của cơ quan nhà nước ở đâu? Ai sẽ bảo vệ người dân chúng tôi và người dân chúng tôi khi bị bệnh biết đến đâu để điều trị? Sẽ còn bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu gia đình bị lừa dối và rơi vào tình trạng nguy hiểm như con gái chúng tôi nữa đây?”.
Trước phản ánh của chị Nga, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ với phòng khám An Việt Clinic và các cơ quan chuyên môn để làm rõ. Ngày 9/9/2024, thông tin từ Phòng Y tế Quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra cơ sở An Việt Clinic và sẽ thông tin tới báo Phụ nữ Thủ đô khi có kết luận chính thức.
Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới độc giả trong những bài viết tiếp theo!