Khai mạc phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ XVII
(PNTĐ) -Sáng 17/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra phiên trọng thể.

Dự Đại hội, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Đỗ Văn Anh - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Sơn Bình;
Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Cù Thị Hậu - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đặng Ngọc Tùng - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trần Văn Thuật - Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; Phạm Quang Nghị - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phạm Lợi - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch LĐLĐ Thành phố.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ban, ngành Thành phố, các Mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương. Đặc biệt dự Đại hội có 550 đại biểu đại diện cho 664.000 đoàn viên.

“Trong những ngày này, 2,7 triệu lao động Thủ đô đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và chờ đón những quyết định sáng suốt của Đại hội. Nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao đó, tôi đề nghị mỗi đại biểu sẽ tập trung trí tuệ, làm việc với trách nhiệm cao để Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII thực sự là Đại hội “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên của toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn, đông đảo người lao động, mở ra trang mới trong hoạt động Công đoàn Thủ đô, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô” - đồng chí Phạm Quang Thanh nhấn mạnh.

Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI Lê Đình Hùng cho biết, hiện nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với tổng số 9.208 CĐCS và 664.031 đoàn viên, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 CĐCS với 470.024 đoàn viên công đoàn.
Nhiệm kỳ qua, hoạt động của các cấp Công đoàn Thủ đô diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố có nhiều thuận lợi: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tập trung triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 5 năm 2015 - 2020 và đang tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển đúng hướng và đạt mức tăng trưởng khá.
Với nỗ lực vượt bậc của của cả hệ thống, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thành phố đã linh hoạt, chủ động thích ứng với tình hình mới để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI.
Tổ chức Công đoàn đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Trong nhiệm kỳ tới, các cấp Công đoàn Thủ đô đặt ra mục tiêu “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động.
Thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, các cấp Công đoàn Thủ đô đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp; 2 nhóm chỉ tiêu (chỉ tiêu hàng năm, chỉ tiêu nhiệm kỳ) với 10 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn Thành phố có 1.000.000 đoàn viên; 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thoả ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ.
Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Thủ đô xác định tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới là: Xây dựng đội ngũ Chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn.