Khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện

Chia sẻ

Sau 3 ngày làm việc (từ ngày 9-11/3/2022), Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội các cấp; tạo động lực động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy nội lực, khát vọng vươn lên, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII 	Ảnh: Đ.HĐồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII  Ảnh: Đ.H

Kỳ Đại hội tạo nên những đột phá mới

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII khẳng định: Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Bối cảnh đó đòi hỏi Hội LHPN Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của tổ chức Hội.

Từng cán bộ, hội viên phụ nữ cần tiếp tục phát huy truyền thống con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, chủ động tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Tổ chức Hội tiếp tục đoàn kết, vận động, tập hợp, khơi dậy khát vọng vươn lên và tiềm năng to lớn của phụ nữ, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của Đảng, là thành viên có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Liên đoàn các tổ chức Phụ nữ ASEAN.

Kỳ vọng vào những đột phá trong giai đoạn mới của người đứng đầu Hội LHPN Việt Nam hoàn toàn có sơ sở, khi nhiệm kỳ qua, phong trào phụ nữ đã đạt được những kết quả nổi bật.

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, phong trào phụ nữ và hoạt động Hội đã có những chuyển biến sâu sắc. Các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin- Tự trọng-Trung hậu- Đảm đang” gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... đã được các cấp Hội triển khai sâu rộng, hòa quyện vào các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Hội đã khởi xướng, vận động xã hội thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Các chương trình thiết thực như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Vì nụ cười phụ nữ”, “Kiên cường Việt Nam”, “Mẹ đỡ đầu” … đã huy động sức người, sức của cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh và thiên tai.

Các cấp Hội cũng đã giúp gần 1,8 triệu hộ nghèo; vận động, hỗ trợ, thành lập mới 775 hợp tác xã và 3.730 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý. Trong công tác xây dựng tổ chức Hội, đến cuối nhiệm kỳ đã có trên 19 triệu hội viên (tăng 2.182.324 hội viên, vượt gần 2,2 lần so với chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ). Từ 1.037 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50% đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn 8 cơ sở.

Một kỳ Đại hội thành công trên nhiều phương diện

1 Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản. Báo cáo chính trị Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội. Dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Điều lệ Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022 và lấy ý kiến đóng góp của các cấp Hội, chuyên gia... Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa XII được xây dựng, thảo luận trong BCH và lấy ý kiến góp ý của các Ban xây dựng Đảng.

2 Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm. Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII gồm 155/163 uỷ viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ Nhất đã bầu 31 đồng tham gia Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII; 100% Uỷ viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; bầu 04 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII.

3 Đại hội có sự đổi mới về hình thức thảo luận, trao đổi thông tin. Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu. Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, Đại hội còn tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề khác nhau.

4 Trong khuôn khổ Đại hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như triển lãm “Hội LHPN Việt Nam - Viết tiếp những ước mơ”; Tổng kết Đợt thi đua đặc biệt “130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”; Phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; phát động trồng mới 130.000 cây xanh hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; đại biểu đề xuất 5.671 sáng kiến vì phụ nữ và trẻ em...

Đồng chí Hà Thị Nga - Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thay mặt BCH khoá XIII phát biểu nhận nhiệm vụẢnh: Đ.HĐồng chí Hà Thị Nga - Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thay mặt BCH khoá XIII phát biểu nhận nhiệm vụ  Ảnh: Đ.H

5 định hướng chiến lược của phong trào phụ nữ giai đoạn mới

Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những thành tích đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam và đại diện là Hội LHPN Việt Nam. Thủ tướng khẳng định: “Nhìn lại 5 năm qua, phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội đã tham gia tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật.

Hội LHPN Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; Hội là cầu nối giữa Đảng với các hội viên, phụ nữ; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động, có nhiều mô hình rất sáng tạo, hiệu quả để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp Hội cùng cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã đồng lòng, chung sức nỗ lực tham gia tích cực vào cuộc chiến chống dịch bệnh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước đã được nâng lên, tạo ra thế và lực mới cho chị em phụ nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng sẽ có nhiều thách thức đan xen... qua đó tác động mạnh mẽ đến đời sống, việc làm, phong trào của phụ nữ, cũng như đến tổ chức và hoạt động của Hội. Tại Đại hội, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Hội LHPN Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ cả nước ngày càng phát triển trong giai đoạn tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 5 vấn đề có ý nghĩa chiến lược:

Một là, Hội LHPN Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc; gắn kết chặt chẽ các phong trào, cuộc vận động, hoạt động của Hội với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền để Hội tham gia giải quyết những vấn đề thiết thực được xã hội và phụ nữ quan tâm...

Hai là, các cấp Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức tiên phong vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.

Cần đa dạng hóa nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; Hội cần mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để thu hút đông đảo các tầng lớp, đối tượng phụ nữ tham gia Hội;
Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là những người có tầm ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng, lôi cuốn, dẫn dắt phong trào; có hình thức phù hợp động viên phụ nữ Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, phát triển, hướng về Tổ quốc.

Tổ chức Hội cần đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ theo hướng "Trung ương định hướng chiến lược, Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ".

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tư duy đổi mới, có kỹ năng vận động phụ nữ, gương mẫu đi đầu và là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu cán bộ nữ, cán bộ Hội có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Ba là, vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân; Cần phải làm cho mỗi cán bộ Hội ở các cấp và mỗi người phụ nữ Việt Nam thực sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, tích cực, chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ trong xây dựng, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Kịp thời phát hiện, lên tiếng, bênh vực, bảo vệ, giúp đỡ, kiến nghị giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Đại hội biểu quyết thông qua phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027 	Ảnh: Đ.HĐại hội biểu quyết thông qua phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027 Ảnh: Đ.H

Hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng, củng cố tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính chính là những định hướng mang tầm chiến lược, dẫn dắt để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, vận động xã thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Để có thể hoàn thành mục tiêu đó, tại Đại hội, đồng chí Hà Thị Nga kêu gọi phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực ở trong và ngoài nước phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ mới, thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân và tình cảm, vai trò trong gia đình, tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp, tự tin hội nhập quốc tế; cùng khơi dậy niềm tự hào, khát vọng cống hiến; trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp bằng hành động cụ thể, thiết thực nhất - như những “viên gạch hồng” bồi đắp, tô đẹp thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027

1. Mục tiêu

Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

2. Chỉ tiêu cơ bản:

(1) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe. (2) Hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. (3) Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội. (4) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế bền vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hóa (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. (5) Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn. (6) Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. (7) Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền. (8) Đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương đề xuất thành công ít nhất 05 chính sách, đề án; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 01 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.

3. Phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá

Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước) Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” Khâu đột phá: (1) Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; (2) Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.

4. Nhiệm vụ trọng tâm:

Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh Nhiệm vụ 2: Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế

5. Nhóm giải pháp chung:

(1) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức (2) Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành (3) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn (4) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực.

 HOÀNG LAN 

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.