Khát vọng phát triển văn hóa, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Điều này không chỉ nằm ở dấu ấn kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 với thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mà còn ở tinh thần chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Để có được một thời kỳ mới cho đất nước là nhờ sự coi trọng và định hướng phát triển văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khát vọng phát triển văn hóa, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Ảnh: Trần Huấn

Những thông điệp vững chắc về văn hóa của Tổng Bí thư

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ nguyên nhân: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị”, thì ngay trước, trong và sau Hội nghị, việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Văn hóa ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn với tư cách “là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...), “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Những thông điệp vững chắc về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như vậy đã giúp hình thành nhận thức tốt hơn về văn hóa như nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, từng địa phương nói riêng những năm qua.

Điều đáng mừng là, cùng với việc triển khai Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng các chương trình, đề án và hành động cụ thể cho phát triển văn hóa.

Có thể nói, từ Hội nghị văn hóa Toàn quốc 2021, những người làm văn hóa rất cảm kích khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến việc triển khai thực hiện thành công kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị. Quyết tâm chính trị này chắc chắn xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa. Trong các kỳ họp Quốc hội cho đến nay, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn, được quan tâm sâu sắc hơn. Những lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt, hay di sản văn hóa... từ các đại biểu Quốc hội là nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa. 

Đối với Hà Nội, là Thủ đô, nơi hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của cả đất nước, luôn tiên phong trong phát triển văn hóa, con người. Sau Hội nghị văn hóa Toàn quốc và những chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, ngày 22/2/2022, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” năm 2023 cũng đã xác định những giá trị văn hóa của Hà Nội cần khai thác, phát huy trong phát triển. Công cuộc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh với Chương trình 06/CT-TU, và gần nhất là Chỉ thị 30/CT-TU về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng lấy yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm kim chỉ nam hành động. 

Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nỗ lực xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có những bước tiến lớn, góp phần “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” như Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đề ra.

Từ Hà Nội có thể thấy, đây là những tín hiệu đáng mừng khi những chuyển biến nhận thức đã biến thành hành động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao” đã được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần  đoàn kết
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xác định vai trò quan trọng của văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế xã hội trong phát triển đất nước, sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa trong thời gian vừa qua, đã lan tỏa tinh thần tích cực trong đời sống nhân dân. Chúng ta có thể thấy sự tin tưởng của nhân dân vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Chính từ niềm tin và sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã thực sự tỏa sáng để chúng ta cảm nhận rõ hơn về tinh thần yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình mà dân tộc ta đã hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. 

Trong bài Kết luận Hội nghị văn hóa Toàn quốc năm 2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 6 nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển văn hóa được nêu ra, đặc biệt là khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... đã trở thành sự cập nhật, bổ sung những nguyên tắc của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 - cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. 

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 2021 với những thông điệp, chỉ đạo trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc từ văn hóa. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - Năm 2024, Các cấp Hội Phụ nữ quận Long Biên đã tích cực, chủ động triển khai chủ đề công tác năm 2024 của Quận với 34 công trình chỉnh trang đô thị và sân chơi an toàn cho trẻ em; nhiều mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác, chuyển đổi số đạt được hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa lan toả cao.
Phụ nữ Long Biên phát huy truyền thống “Ba đảmđang”, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Phụ nữ Long Biên phát huy truyền thống “Ba đảmđang”, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2024, hưởng ứng chủ đề công tác năm 2025 của các cấp Hội Phụ nữ, năm 2025 Hội LHPN quận Long Biên phát động thi đua với chủ đề: “Phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Long Biên tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.