Khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân

Chia sẻ

(PNTĐ) - Thảo luận tại Quốc hội ngày 27/7 về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội.

Điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng

Đại biểu Triệu Thị HuyềnĐại biểu Triệu Thị Huyền

Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn Yên Bái, dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7 % dân số của cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số thì chiếm đến 57,1 % số hộ nghèo cả nước. Khu vực miền núi phía Bắc - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng cao nhất cả nước.

Thu nhập của một bộ phận người dân nơi đây chủ yếu từ tiền khoán bảo vệ rừng. Trong khi chính sách khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định 75 năm 2015 thì thu nhập bình quân của 1 hộ 4 người còn thấp hơn mức chuẩn nghèo thu nhập giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ quan tâm khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại Nghị định số 75 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời sửa đổi, bổ sung chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn, để đồng bào yên tâm, phấn đấu thoát nghèo và có thể vươn lên làm giàu từ rừng.

Rà soát, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại trông chờ

Đại biểu Nguyễn Thị Minh TrangĐại biểu Nguyễn Thị Minh Trang

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể. Nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn sẽ càng khó khăn và khó tiến về phía trước hơn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ chủ quản quyết liệt chỉ đạo, rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của chương trình. Từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án.

Tiếp tục rà soát dỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân.

Đổi mới tư duy về chủ trương giảm nghèo

Đại biểu Nguyễn Thị Mai HoaĐại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề xuất, phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ và coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Đặc biệt, cần đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên. Đặc biệt, các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng kiến nghị cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người thực tế, bởi theo đại biểu, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, đó là đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế cho người dân.

Cần tách nhóm hộ nghèo, bảo trợ xã hội ra khỏi chỉ tiêu giảm nghèo

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến NhiĐại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đánh giá cao và trân trọng kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Kết quả đã thể hiện cụ thể qua các báo cáo đánh giá trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% vào năm 2015 xuống còn 2,75% vào năm 2020 với hơn 6 triệu người thoát nghèo và hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Với quan điểm, phương châm rất nhân văn đó là không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, tôi rất đồng tình với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đóng góp cho nội dung chương trình, đại biểu đề nghị cần tách nhóm hộ nghèo, bảo trợ xã hội ra khỏi chỉ tiêu giảm nghèo, bởi vì thực tế họ rất khó, thậm chí là không có khả năng để thoát nghèo. Đối với nhóm đối tượng này sẽ xây dựng một chính sách riêng.

Với 6 dự án của chương trình, đại biểu đề nghị cần tập trung nguồn lực để đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và các mô hình sinh kế giảm nghèo nhằm tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát huy vai trò chủ thể của mình để tự vươn lên thoát nghèo theo nguyên tắc là hỗ trợ cần câu và hướng dẫn cách câu.

Về chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt về nước sinh hoạt có đưa ra chỉ tiêu 90% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị 2 chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu nước sạch, bởi vì hiện nay không có tiêu chuẩn kỹ thuật nào để đánh giá như thế nào là nước hợp vệ sinh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đưa ra chỉ tiêu này nhìn vào thấy rất cao, đến 90% nhưng nó lại không phản ánh đúng thực chất. Nước sinh hoạt chúng ta cho rằng hợp vệ sinh cũng chỉ là người dân lấy từ sông, suối lên xử lý một cách sơ sài, đơn giản, như vậy có hợp vệ sinh không khi hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, xâm nhập mặn ngày càng sâu, với độ mặn cao và kéo dài.

 Mùa hạn mặn vừa rồi các tỉnh miền Tây Nam Bộ phải chống chọi với cơn mặn gần 6 tháng, độ mặn rất cao, nhiều người dân phải sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn lấy từ sông lên để sinh hoạt, với độ mặn có nơi trên 20 phần nghìn.

Vì vậy, cần đưa ra chỉ tiêu nước sạch cho đảm bảo đúng thực chất hoặc nếu chưa thể đưa ra được chỉ tiêu này ngay trong chương trình thì trong quá trình tổ chức thực hiện tôi cũng đề nghị cần phải đặc biệt quan tâm nội dung này, bởi vì đó là nhu cầu thiết yếu, cơ bản, nếu không nói là quyền con người trong việc tiếp cận nước sạch.

Hơn nữa, khi thực hiện chương trình cho giai đoạn tới, tôi đề nghị cần tăng mức cho vay vốn hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo so với mức 25 triệu đồng ở giai đoạn trước, có thể lên mức 50 triệu để tạo điều kiện cho hộ nghèo có thể xây dựng được nhà đảm bảo 3 cứng theo tiêu chuẩn.

Đồng thời, tăng mức cho vay đối với sinh viên thuộc hộ nghèo từ 2 triệu đồng/tháng lên mức 5 triệu đồng/tháng để có thể xoay xở được cho các chi phí học tập trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hôm nay nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu tri ân. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. Cách đây 3 hôm Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt với 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước đã có ý kiến là sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực chăm lo người có công với cách mạng, Chính vì vậy, trong chương trình này, tôi đề nghị cần có sự quan tâm đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, có thành viên hoặc chủ hộ là người có công, phấn đấu đến cuối giai đoạn sẽ không còn người có công nào thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, cần tập trung chăm lo, tạo điều kiện cho người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra, đó cũng chính là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" quý báu của dân tộc ta.

Bộ trưởng Đào Ngọc DungBộ trưởng Đào Ngọc Dung

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, như tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước; Một bộ phận các hộ đã thoát nghèo nhưng ở những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao và thu nhập bình quân đầu người thấp.

Về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa, đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Về tách các hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo thêm với Quốc hội. Theo tiêu chí hiện nay, có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người nghèo; theo chuẩn mới ước có khoảng 400.000 hộ với 1.500.000 người.

Vì vậy, theo tiêu chí này, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp tục cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu như đại biểu Quốc hội nêu, cũng như kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vừa đảm bảo khả năng ngân sách cân đối trong thời gian thực tế.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.