Khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực giao thông đường bộ
(PNTĐ) - Chiều 27/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại như các tuyến cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các cầu lớn như Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.
Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đã nêu nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Theo quy định tại điểm b và e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành Nghị quyết thí điểm thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 5 nhóm chính sách, cụ thể, về Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm (Điều 3), Chính phủ đề xuất nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm: Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm. Có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể. Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
Về các chính sách và danh mục kèm theo từng chính sách, Chính sách 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4): Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Chính sách số 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5): Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.
Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6): Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.
Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7): Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.
Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 (Điều 8).
Đối với các dự án ngoài danh mục ban hành theo Nghị quyết thí điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khi có nhu cầu do các địa phương tiếp tục kiến nghị, trường hợp đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian giữa hai kỳ họp.