Tự hào tôi là người Việt Nam!

Kỳ 3: Một lòng hướng về Trường Sa, Hoàng Sa

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nói đến tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không thể không nhắc tới cộng đồng người Việt tại châu Âu. Chỉ từ năm 2017 đến nay đã có 4 CLB Trường Sa, Hoàng Sa, Yêu biển đảo Việt Nam ra đời tại Đức, Ba Lan, Séc, Pháp và một Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” được thành lập bởi các kiều bào.

Kỳ 3: Một lòng hướng về Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 1
Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” trao học bổng cho con em các chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa trong khuôn khổ chương trình tặng quà các đảo tại Trường Sa và cán bộ, con em chiến sĩ Lữ Đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: NVCC

Khẳng định chủ quyền qua những bằng chứng lịch sử 
Bà Trần Thu Dung, sinh năm 1956 là nhà báo, nhà nghiên cứu về văn hóa kiêm phụ trách CLB Yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp chia sẻ: Người Việt Nam luôn đặt Trường Sa, Hoàng Sa ở một nơi rất thiêng liêng trong trái tim. Chỉ cần làm được điều gì đó cho Trường Sa, Hoàng Sa, tất cả đều sẵn sàng xả thân, cống hiến. 

Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Tại Pháp, bà Dung đã cùng hơn 3.000 người Việt Nam và các bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

4 năm sau, bà Dung lần đầu tiên được tham gia đoàn đại biểu kiều bào yêu nước ra thăm Trường Sa. Mặc dù đã dành nhiều năm nghiên cứu cũng như tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhưng bà vẫn thấy hiểu biết của mình về hai phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là chưa đủ. Quả nhiên, chuyến đi đã đem đến cho bà thêm nhiều bài học về tình yêu nước. Bà chia sẻ: “Trường Sa hôm nay đã có trường học, có chùa, nhà cửa… Nhiều đảo đã có điện, sóng truyền hình, đài phát thanh, sóng điện thoại như ở đất liền. Nhưng, cũng tại Trường Sa, tôi vẫn thấy trạm gác, súng, còi báo động... Nước mắt tôi chảy ra vì Trường Sa vẫn chưa được hòa bình trọn vẹn. Chúng ta vẫn đang phải chiến đấu để bảo vệ những gì đương nhiên thuộc về chúng ta”. 

Từ chuyến đi ấy, bà Dung và các Việt kiều yêu nước càng quyết tâm góp sức nhiều hơn nữa để xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Và rồi chính Trường Sa đã kết nối những trái tim nhỏ hòa chung nhịp đập lớn. Ngày 19/3/2023, CLB “Yêu biển đảo Việt Nam” tại Pháp đã chính thức ra mắt tại Paris, tập hợp tất cả những người yêu biển đảo Việt Nam, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa. Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, CLB ra đời là sự khẳng định rõ rệt nhất tình yêu đất nước của kiều bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. 

Kỳ 3: Một lòng hướng về Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 2
Ra mắt CLB "Yêu biển đảo Việt Nam" tại Pháp

Pháp là nơi tập trung nhiều học giả, chuyên gia uy tín có hiểu biết sâu sắc về biển Đông, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa, đồng thời cũng có nhiều nguồn dữ liệu lịch sử quý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa… Từ lợi thế này, CLB “Yêu biển đảo Việt Nam” tại Pháp đã đặt trọng tâm hoạt động vào việc sưu tầm, công bố các tài liệu, chứng cứ lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa, tổ chức diễn đàn để thu thập các ý kiến ủng hộ Việt Nam xác lập chủ quyền lãnh hải, các hoạt động triển lãm, tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh của Trường Sa, Hoàng Sa trước thế giới. 

Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, bà Dung và các Việt kiều yêu nước đã thay nhau tìm kiếm, đăng tải công khai nhiều bài viết, tài liệu, căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên trang facebook của CLB. Có thể kể tới các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi; nhiều tài liệu, sách, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Đó còn là các hoạt động khai thác tài nguyên, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, cờ trên hai quần đảo gần ba thế kỷ được ghi trong sử sách trong thời nhà Nguyễn cho thấy, hai quần đảo này là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam… Và còn nhiều tài liệu quý khác nữa đã được đưa tới công chúng toàn thế giới. 

Tiếp nối truyền thống yêu nước của thế hệ cha, anh, đến nay, nhiều người Việt trẻ tại Pháp cũng đang hoạt động mạnh mẽ để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. 

Dư Thu Trang, sinh năm 1982, thành viên của CLB “Yêu biển đảo Việt Nam” tại Pháp, luôn đau đáu làm thật nhiều điều để bảo vệ phần máu mủ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thấy, ở Pháp chưa có bộ tem nào in hình Trường Sa của Việt Nam cũng như chưa một quốc gia nào sử dụng bộ tem của riêng nước mình tại Pháp, Trang đã đề xuất và nhận được ủng hộ của tập đoàn Bưu điện Pháp - La Poste để làm một bộ tem về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Sau đó, các thư tín, giấy mời của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đều đã dùng bộ tem này để gửi thư đi khắp nước Pháp và thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Trang còn muốn phát hành thêm nhiều bộ tem khác về biển đảo Việt Nam nói chung và về hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa nói riêng. Một lần nữa, Trang lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan ngoại giao Việt Nam, Pháp cùng các bạn bè qua việc cung cấp các bức ảnh chụp Trường Sa với chất lượng tốt để Trang thiết kế 5 mẫu về các vùng biển, đảo Việt Nam là Lý Sơn, Song Tử Tây, Trường Sa lớn, ghềnh Đá Đĩa, Hạ Long để in tem. Lễ ra mắt bộ tem này đã được trang trọng tổ chức tại tòa nhà của Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO trong sự kiện triển lãm và trình diễn văn hóa mang tên gọi “Sự hùng vĩ của biển Việt Nam”. 

Tất cả vì chủ quyền quốc gia
“Yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp” là CLB ra đời gần đây nhất do những người Việt Nam yêu nước thành lập ở châu Âu. 

Bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”, đồng thời cũng là Chủ tịch CLB Hoàng Sa, Trường Sa tại Ba Lan cho biết: Năm 2017, CLB đầu tiên về Trường Sa ở châu Âu đã được thành lập tại CHLB Đức. Tiếp đó, năm 2019, CLB Hoàng Sa, Trường Sa tại Ba Lan ra đời. Năm 2022 thành lập CLB Hoàng Sa, Trường Sa tại CH Séc. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 2022, Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” đã ra mắt gồm đại diện 12 quốc gia ở châu Âu. Thông qua các CLB và Ban liên lạc, những người Việt Nam, cả bạn bè quốc tế đã có thể liên kết thành một khối thống nhất để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu. 

Kỳ 3: Một lòng hướng về Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 3
Ban liên lạc người Việt châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam" tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Lữ Đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) dịp Tết Quý Mão 2023

Theo bà Cao Hồng Vinh, hàng năm, hàng trăm bà con Việt kiều, thành viên của các CLB Hoàng Sa, Trường Sa ở châu Âu đều tích cực đóng góp để xây dựng Trường Sa như trao tặng mái ấm cho hộ dân, tặng trang thiết bị tập thể dục đa năng, khám chữa bệnh, xây dựng thư viện cho học sinh trên đảo; thăm, tặng quà con em các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa và nhà giàn DK1… Trong hành trình lần thứ 10 năm 2023 hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào ở châu Âu cũng đã đóng góp nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. 

Những ngày này, các thành viên của Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” và các CLB Trường Sa, Hoàng Sa, Yêu biển đảo Việt Nam trên khắp châu Âu đang dồn toàn bộ tâm huyết, sức lực tổ chức một hội thảo quốc tế với quy mô lớn mang tên “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam”. Từ sáng kiến của Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”, hội thảo sẽ quy tụ hơn 100 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, biển Đông, nhà kinh tế học, nhà địa chất từ Việt Nam và các quốc gia châu Âu như ông Patrice Jorland - nguyên Chủ tịch Hội Ái hữu Pháp Việt, Giáo sư Địa sử, nguyên Tham tán văn hóa Pháp tại Việt Nam; ông Pierre Jounoud, Giáo sư Sử học chuyên đề Đông Nam Á, Đại học Montpellier, Pháp; bà Sandra Scaagliotti, Giáo sư lịch sử Việt Nam tại Đại học Torino, Italia…; các nhà ngoại giao, cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, những người đã từng ra thăm Trường Sa, nhà giàn DK1. Tất cả sẽ nói lên tiếng nói khách quan, trung thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Theo bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”, cùng với việc ủng hộ kinh phí, vật lực để xây dựng Trường Sa, hoạt động đấu tranh, xác lập chủ quyền lãnh hải và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, kêu gọi sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng quốc tế cũng rất quan trọng.

(Còn nữa)

 

Tin cùng chuyên mục

 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.