Tự hào tôi là người Việt Nam

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong bối cảnh hội nhập, nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài song vẫn luôn mang trong mình niềm tự hào được là “con Lạc, cháu Hồng”. Mỗi người, với những hành động thiết thực đang góp sức vào sự trường tồn và phát triển của đất nước và dân tộc. Thông qua những con người Việt Nam như thế, thế giới càng thêm trân trọng một Việt Nam kiên cường trong quá khứ, đoàn kết, vững mạnh trong thời bình.

Kỳ 1: Bác Hồ luôn sống mãi trong lòng bà con Việt kiều xa quê hương

Với tất cả niềm tôn kính, thời gian qua, bà con Việt kiều ở Thái Lan đã có nhiều hoạt động gìn giữ, tôn vinh hình ảnh, tư liệu về Bác, hăng hái học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Điều này giải thích vì sao, đã hơn nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới, Người vẫn sống mãi.

Tự hào tôi là người Việt Nam  - ảnh 1
Phó Chủ tịch nước Võ thị Ánh Xuân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm Khu di tích Bác Hồ ở Udon Thani năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Tình yêu Bác truyền qua nhiều thế hệ

Ông Lương Xuân Hòa, sinh năm 1958, hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Thái Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani.

Năm 1929, ông bà của ông đã sang Thái Lan định cư. Bản thân ông được sinh ra tại Thái Lan, sau đó đến thế hệ các con, cháu. Nhưng, ông vẫn luôn gọi mình là người Việt, gọi đại gia đình mình là gia đình của người Việt Nam trên đất Thái.

Nhắc đến nguồn cội, hình ảnh đại diện sâu đậm nhất khắc ghi trong ông chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lòng kính yêu Bác, ông Hòa đã dày công tìm hiểu sự nghiệp cách mạng của Bác, nhất là giai đoạn Bác Hồ sang hoạt động ở Thái Lan.

Ông xúc động kể: “Tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc tới Thái Lan hoạt động. Trong vòng hơn 1 năm tại Thái, Người đã tích cực tập hợp, đoàn kết bà con Việt kiều, phát động phong trào học tiếng Việt và học tiếng Thái trong Việt kiều. Cũng chính Người đã cùng bà con Việt kiều xây dựng trường dạy tiếng Việt”.

 Ông Hòa kể tiếp, các thế hệ người Việt ở Thái Lan nói chung, trong đó có Udon Thani luôn ghi nhớ công lao của Bác Hồ. Những năm đầu 60 của thế kỷ trước, mặc dù tình hình chính trị có nhiều khó khăn, trong nhà bà con Việt kiều vẫn luôn treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. Đến nay, phong tục ấy vẫn được các gia đình người Việt duy trì. Có gia đình còn lập 2 ban thờ, một ban thờ thờ Bác Hồ, một ban thờ thờ gia tiên. Với những người con xa xứ, Bác Hồ chính là hiện thân của Tổ quốc, nguồn cội.

Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, hiện ở khu Việt Nam Town, một Việt kiều yêu nước tiêu biểu ở tỉnh Udon Thani chia sẻ: Nếu nói về tình cảm dành cho Tổ quốc và Bác Hồ, có lẽ, khó đâu có thể sánh bằng cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Tình cảm ấy được truyền từ đời ông, cha đến thế hệ con cháu hôm nay vẫn rất son sắt, sâu đậm. Nhiều cháu là con em của người Việt tại Thái Lan, chưa từng được về thăm Việt Nam nhưng vẫn một lòng tôn kính Bác Hồ và khắc ghi mình là người gốc Việt.

Còn theo ông Đào Trọng Lý, Trưởng ban cố vấn Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái: Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan hiện có khoảng trên 100.000 người. Trong cuộc sống, bà con đã biến lòng kính yêu Bác Hồ trở thành hành động thiết thực. Nhớ lời Bác Hồ dặn kiều bào “vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất” khi Bác đón chuyến tàu đầu tiên chở Việt kiều về nước năm 1960, bà con luôn nhắc nhau làm ăn lương thiện, hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế ở Thái Lan. Hiện nay, người Việt tham gia vào tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, đảm nhiệm vai trò Ủy viên, Chủ tịch Hội đồng Thành phố, ứng cử đại biểu Quốc hội tại Thái Lan.

Lòng yêu nước của bà con Việt kiều còn thể hiện qua việc mỗi khi nhận được lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc góp sức xây dựng quê hương, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiên tai lũ lụt, ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, bà con không ai bảo ai đều tích cực tham gia. Tổng kinh phí của bà con Việt kiều ở Thái Lan gửi về nước trong mỗi đợt quyên góp luôn ở mức cao. 

Đến chung sức xây dựng Khu di tích Bác Hồ

Một lòng kính yêu Bác Hồ, bà con Việt kiều ở Thái Lan còn đau đáu tâm nguyện xây dựng các Khu di tích về Bác để làm nơi lưu giữ, giới thiệu về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc tới lớp lớp người Việt đời sau và bạn bè thế giới.

Tự hào tôi là người Việt Nam  - ảnh 2
Cổng vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani (ảnh: NVCC)

Năm 2002, bà con Việt kiều tỉnh Udon Thani đã chung tay quyên góp kinh phí cộng với nguồn xã hội hóa mua hơn 10.000m2 đất xây Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang, xã Xiêng Phin. Thời điểm đó, mạng xã hội chưa phát triển mạnh, chủ trương xây khu Di tích được Hội người Việt tại Udon Thani truyền đạt tới 300 đại biểu kiều bào đại diện cho các làng, sau đó, mọi người lại chia nhau thông báo tới từng nhà. Và rồi với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con đã xây dựng nên Khu di tích.

Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, cố vấn Ban Quản lý khu di tích Bác Hồ tại Udon Thani nhớ lại, địa điểm được chọn xây dựng Khu di tích chính là nơi trước kia, Bác Hồ từng dừng chân trong thời gian hoạt động cách mạng ở Thái Lan. Trong khu di tích, một gian nhà lá của gia đình Bác Hồ đã được phục dựng. Khu nhà đa năng trưng bày hình ảnh về gia đình Bác. Một tấm bản đồ với những đường chỉ đỏ thể hiện những địa điểm Bác Hồ đã tới giúp du khách hiểu hơn về quãng thời gian hoạt động cách mạng của Bác ở Thái Lan. Ngoài ra, du khách còn được xem các thước phim tư liệu quý về Bác, thăm gian trưng bày phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Việt Nam.

Bà Oanh chia sẻ thêm, tình yêu của bà con Việt kiều đối với Bác còn lan tỏa tới người Thái thông qua việc chính quyền xã Xiêng Phin đã chủ động đặt tên con đường nối từ đường lớn qua Khu Di tích là đường Thầu Chín, một trong những bí danh của Bác khi hoạt động tại Thái Lan.

Ngoài Udon Thani, tại tỉnh Nakhon Phanom và tỉnh Phi Chit cũng có Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Khu Di tích tại tỉnh Nakhon Phanom là công trình di tích lớn nhất về Bác tại Thái, được xây dựng nên bởi sự hợp tác giữa hai quốc gia Thái Lan thông qua việc cấp đất và Việt Nam cấp kinh phí cùng sự ủng hộ hết mình về nhân, vật lực của bà con Việt kiều ở Thái Lan. Công trình đã được trang trọng khánh thành vào đúng sinh nhật Bác 19/5/2016.

Ông Đào Trọng Lý khi đó là Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Nakhon Phanom, hiện là Trưởng ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom rất vinh dự được cùng tham gia vào quá trình xây dựng Khu di tích, chia sẻ: Công trình được xây dựng rất công phu, chăm chút tới từng chi tiết nhỏ. Ngay từ cổng vào Khu di tích là hai bức tranh gốm do bà con làng nghề Gốm sứ Bát Tràng tự tay làm, gửi sang. Trong đó, một bức là tranh hoa Sen và 5 con cá chép, biểu trương của nước Việt và một bức là tranh cây Muồng Yến và 5 chú chim bồ câu tượng trưng cho nước Thái. Bên trong khuôn viên Khu Di tích có ao cá Bác Hồ với 79 con cá được mang thả từ ao cá Bác Hồ tại Hà Nội. Cây cầu bắc qua ao cá sẽ dẫn du khách vào Đền thờ Bác.

Còn tại tỉnh Phi Chit, nơi đầu tiên Bác Hồ dừng chân khi tới Thái Lan, điều vô cùng cảm động là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo đề xuất của người Thái, được chính quyền tỉnh Phi Chit cấp kinh phí và xã hội hóa thêm từ chính người dân Thái Lan. Công trình đã chứng minh chân lý Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt mà còn là của chung toàn thế giới. Người dân Việt Nam kính yêu Bác Hồ và người dân thế giới cũng vậy.

Hiện nay, các Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thái Lan đã trở thành những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, nhân vật hoàng gia, lãnh đạo chính quyền, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang… ở Thái Lan đều đã đến thăm Khu di tích. Bên cạnh đó, mỗi năm các Khu di tích còn đón hàng chục ngàn lượt du khách Việt Nam, Thái Lan và quốc tế.

Điều rất cảm động, nhiều năm qua, bà con Việt kiều, trong đó phụ nữ mặc trang phục áo dài Việt Nam vẫn đều đặn thay nhau đến Khu di tích để tình nguyện tiếp đón du khách. Được thấy hình ảnh áo dài Việt và được nghe tiếng Việt, nhiều du khách không khỏi xúc động tưởng như mình đang ở giữa Việt Nam.

Ghi nhận tình cảm sắt son, một lòng tôn kính Bác Hồ và những đóng góp của bà con dành cho Tổ quốc, năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất cho cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục

Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

(PNTĐ) - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện cơ xương khớp Minh Y Đường Hà Nội đã mắc hàng loạt các sai phạm trong quá trình hoạt động, trong đó có hành vi khám chữa bệnh vượt quá phạm vi được cấp phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân…
10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024

(PNTĐ) -  Năm 2024, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã vượt qua mọi khó khăn thách thức và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Dưới đây là 10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết.
Khai mạc chương trình quảng bá du lịch “Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô”

Khai mạc chương trình quảng bá du lịch “Ứng Hòa - Miền di sản ngoại đô”

(PNTĐ) - Tối 27/12, tại huyện Ứng Hòa, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức lễ khai mạc chương trình quảng bá du lịch “Ứng Hòa - Miền di sản ngoại ô"; công bố quyết định điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu và di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho làng nghề may Trạch Xá.