Định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Hiện thực hóa khát vọng phát triển
Kỳ cuối: Phát triển Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, liên kết vùng
(PNTĐ) - Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch Thủ đô, “tấm áo quy hoạch” Hà Nội một lần nữa trở nên chật chội. Để hóa giải những hạn chế này, ngày 25/5/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND nhằm triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể “Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”. Việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trước mắt và lâu dài.

Bảo đảm định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Ngày 16/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Theo đó, phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận; 17 huyện; 1 thị xã). Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84km2.
Mục tiêu nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà. Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Theo đó, trong quá trình thực hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, đảm bảo phù hợp với nghiên cứu định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, phải khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của Vùng Thủ đô.
Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ
TS Nguyễn Kim Hoàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, nhiệm vụ phát triển Hà Nội bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở nên hết sức cấp bách. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện và cải cách hành chính công, đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Cùng kỳ vọng về những mô hình phát triển mới, PGS.TS Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh việc “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” - là vấn đề then chốt để đưa đất nước phát triển trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định một trong ba khâu đột phá: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Đối với Hà Nội, Thủ đô của cả nước đang trên hành trình phát triển trên tầm cao mới, vì vậy yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị; trong đó đặt ra yêu cầu cấp thiết với các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, xây dựng Thành phố công nghệ, công nghiệp hiện đại, văn minh, giàu đẹp.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương có thể nhận định rằng, Hà Nội đã nỗ lực phát triển kinh tế, trở thành một trong hai đầu tàu phát triển của cả nước, chú trọng xây dựng liên kết để làm động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong Vùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa thực sự rõ nét và mang lại hiệu quả rõ rệt, Hà Nội chưa thật sự cho thấy vai trò nhạc trưởng dẫn dắt và lan tỏa tác động tích cực như được kỳ vọng. Nhìn chung, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng vẫn mang tính tự phát và chưa cho thấy một tầm nhìn dài hạn, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của Vùng hoặc các địa phương trong Vùng. Thậm chí, còn có sự cạnh tranh giữa Hà Nội và các địa phương khác nhau trong Vùng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.
Vì vậy, việc quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội trong vai trò dẫn dắt và kết nối các địa phương trong Vùng Thủ đô cần đảm bảo: Thứ nhất, có cơ chế giúp kết nối chức năng của mỗi tỉnh, thành phố trong Vùng, có kế hoạch tổng thể trong việc phát triển hệ sinh thái các ngành nghề một cách thống nhất, cùng chia sẻ hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay. Điều này giúp giải quyết sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương, tối ưu hóa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, sự thống nhất hòa quyện trong phương hướng phát triển kinh tế cũng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển môi trường văn hóa hài hòa, giảm sự xung đột trong xã hội.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối giữa thành phố Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô, cần có cơ chế để thúc đẩy, tạo thành một mạng lưới để kết nối các cực phát triển kinh tế với nhau. Thứ hai, có định hướng phát triển Hà Nội trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực tri thức, công nghệ cao, tài chính, du lịch, logistics, từ đó có vai trò tích cực trong việc liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô...