Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân Ngày giải phóng Thủ đô:

“Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh“

Nguyễn Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 9/10/1954, Báo Nhân Dân đăng Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người nêu rõ: “Chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung, làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

“Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh“ - ảnh 1
Trang Báo Nhân Dân in Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Tiếp quản Thủ đô: Sự kiện lịch sử trọng đại
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở đường cho những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, các Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954. Từ ngày 2/10/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản. Những năm tháng chiến tranh đã gây bao đau thương, mất mát cho Hà Nội, nên việc tiếp quản Thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức. 

Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố; Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của Thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đề ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

 Theo các hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ từ ngày 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Đến ngày 8/10, phía ta đã hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng 9/10, bộ đội ta từ Đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tổ chức tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội... Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đấy, tổ chức theo lối "cuốn chiếu".

 Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10. Sáng 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long. 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát Thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên, Thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.

Cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và thu nhận gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó có sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm... Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... vẫn hoạt động đều. Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt... 
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội
Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội nhân dân gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... do Ủy ban Quân chính Thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. 

“Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh“ - ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ, ngày 27/1/1960. Ảnh tư liệu.

Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông. 

Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Cùng với đó, mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. “Đồng chí” Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội. 

“Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh“ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết!... Nếu kể từ ngày chiến tranh thế giới lần thứ hai thì Thủ đô ta đã trải qua 15 năm binh lửa. Thời gian khá dài tổn thương không ít! Sở dĩ Thủ đô giữ được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu. Tuy vậy từ nay Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”.

Sau khi biểu dương quân dân Thủ đô và quân dân cả nước đã "Đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng" chống thực dân Pháp đến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, đó là: Ra sức giữ gìn trật tự an ninh. Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta. Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa. Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do, dân chủ.

Người nhấn mạnh: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”. Đồng thời khẳng định: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân”. 

Ngày 12/10/1954, Hội đồng Chính phủ họp phiên đầu tiên dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội đồng Chính phủ đã nhiệt liệt biểu dương thắng lợi to lớn của công cuộc tiếp quản Thủ đô, khen ngợi lòng yêu nước của đồng bào, tinh thần kỷ luật của bộ đội, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong công tác tiếp quản.

Thủ đô Hà Nội được giải phóng là một sự kiện lịch sử trọng đại, là ngày hội lớn không chỉ của các tầng lớp nhân dân Hà Nội mà còn là niềm hạnh phúc lớn của nhân dân cả nước; là thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, của chín năm trường kỳ chiến đấu gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh hơn về mọi mặt. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục