Luật Đấu giá tài sản: Cần chế tài xóa bỏ tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng”

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá.

Phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Luật Đấu giá tài sản: Cần chế tài xóa bỏ tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng”  - ảnh 1
Đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu thảo luận.

Việc này  nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nêu ý kiến, đại biểu Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá. Vì thế, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị trong Dự Luật cần nghiên cứu tiếp thu việc quy định phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá.

Hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên cổng đấu giá tài sản quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, chú ý việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Luật Đấu giá tài sản: Cần chế tài xóa bỏ tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng”  - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thảo luận.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau: Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Người tham gia đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Về trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và được phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua. Việc nâng mức đặt giá được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”.

Vì thế, tại khoản 3, Điều 34, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức đấu giá tài sản cho phù hợp. Vì việc tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản là rất khó thực hiện, gây tốn kém cho các tổ chức đấu giá tài sản.

Phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá

Nhấn mạnh rằng mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá và phải tính đến hiệu quả việc đấu giá, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để làm được điều này, trước hết phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá, việc trao đổi giữa người đấu giá với tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bưng bít thông tin.

Luật Đấu giá tài sản: Cần chế tài xóa bỏ tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng”  - ảnh 3
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân thảo luận.

Về vấn đề tăng tiền đặt cọc để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi nếu tăng tiền học thì lại hạn chế người tham gia đấu giá khi họ phải huy động nguồn tài chính lớn.

Bởi tư cách người tham gia đấu giá rất quan trọng, trong đó có các yếu tố để chứng minh tài sản bảo đảm của người đấu giá. Khi người đấu giá vi phạm, chúng ta sẽ có các cơ chế để xử lý vấn đề này.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hình thức đấu giá rất quan trọng, trong đó việc đấu giá trực tuyến sẽ giúp công khai minh bạch thông tin hơn.

Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe ô tô

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu, Điều 4 quy định 18 nhóm tài sản thuộc 18 nhóm lĩnh vực đưa vào diện đấu giá. Quy định như này là quá rộng và còn chung chung. Thực tế, các văn bản pháp luật này rất phức tạp, còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo nên có trường hợp khó xác định tài sản nào phải đấu giá. Điều này dễ dẫn đến những sai phạm trong quản lý khi luật có nội dung chưa rõ ràng.

Luật Đấu giá tài sản: Cần chế tài xóa bỏ tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng”  - ảnh 4
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, thể hiện lại Điều 4 rõ ràng hơn và bổ sung điều khoản quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này để có cơ sở pháp lý chắc chắn thực hiện”. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe ô tô vào sau Khoản 4; làm rõ hơn về quy định nợ xấu trong đấu giá…

Đồng quan điểm trên, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

Hoài Đức: Chung tay trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản

(PNTĐ) - Huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ và 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh. Để bảo vệ, gìn giữ, tạo điều kiện để các loại hình di sản văn hoá phi vật thể huyện Hoài Đức đã tạo không gian thực hành, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản văn hoá đáng quý.
Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1964 – 23/11/2024), ngày 23/11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”. Đây là phường đầu tiên của quận Tây Hồ về đích “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”.