Luật phải bám sát thực trạng bạo lực gia đình trong tình hình mới

Chia sẻ

Vừa qua, tại Chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trong tình hình mới.

Dự kiến, Dự án Luật sửa đổi đủ điều kiện sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Sửa luật để giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình và dân tộc

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/10/2007, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008.

Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật PCBLGĐ đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Sau gần 15 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý.

Theo đó, Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) đã được xây dựng gồm có 6 chương, 62 điều, và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp cơ quan, ban ngành đoàn thể. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục đích việc sửa đổi Luật PCBLGĐ hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Quan điểm khi xây dựng Luật PCBLGĐ (sửa đổi) là bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về xây dựng gia đình Việt Nam và PCBLGĐ trong tình hình mới; bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật PCBLGĐ; sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập từ thực tế nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tạo cơ sở và khung pháp luật cần thiết cho hoạt động PCBLGĐ. Việc hoàn thiện các quy định về PCBLGĐ phải đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình trong quản lý Nhà nước; nhân dân dễ tiếp cận chính sách và gia tăng cơ hội hưởng thụ các quyền…

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần làm rõ các hành vi bạo lực, quy trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp có trách nhiệm 	Ảnh: Quốc hộiCho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần làm rõ các hành vi bạo lực, quy trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp có trách nhiệm Ảnh: Quốc hội

Luật phải bao quát được vấn đề PCBLGĐ trong tình hình mới

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật với các lý do đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo trong quá trình sửa đổi dự án Luật cần tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận và bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như: Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi…

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, tại dự án Luật sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi phạm vi điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện công tác PCBLGĐ trong tình hình mới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung đã được bổ sung, tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Đồng thời, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi của dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) với các quy định có liên quan trong các luật hiện hành.

Trong phần thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự án Luật, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc sửa đổi sự án Luật; đồng thời cho ý kiến vào các nội dung mới liên quan đến quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề gia đình trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp: Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ (sửa đổi) khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ban ngành và toàn xã hội đối với vấn đề ngăn chặn BLGĐ. Song hành với phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm tới PCBLGĐ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ BLGĐ trên cơ sở giới cũng như hành vi bạo lực, nạn nhân của BLGĐ.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần làm rõ các hành vi bạo lực, quy trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp có trách nhiệm. Cụ thể, Ủy ban Tư pháp, tòa án nhân dân các cấp phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần làm rõ các hành vi BLGĐ như: Con cái khước từ, ngược đãi cha mẹ và ngược lại. Mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, bố dượng bạo hành con riêng của vợ… Những vấn đề này còn tồn tại trong thời gian qua và được dư luận quan tâm, cần làm rõ các hành vi để có chế tài xử lý, quy đinh rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan đơn vị để xảy ra BLGĐ.

Liên quan đến chính sách xã hội hóa công tác PCBLGĐ trong tình hình mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi làm rõ hơn nội dung này như: Tổ chức chính trị xã hội xem xét có cần hỗ trợ để huy động nguồn lực, có cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, điều kiện bảo đảm phòng chống bạo lực cũng cần được nói rõ hơn.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, dự án Luật sửa đổi cần nêu rõ hơn về vấn đề trẻ em bị bỏ rơi, bị bạo lực trong gia đình để có hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm, quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của các cá nhân đơn vị liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng và triển khai công tác PCBLGĐ. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới lại đề nghị dự án Luật cần quy định thẩm quyền và trách nhiệm của công an xã rõ ràng hơn, có thêm quy định giao quyền cho họ trong việc bảo vệ người tố giác hành vi BLGĐ và bảo vệ người bị hại.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Ban thẩm tra dự án Luật PCBLGĐ sửa đổi. Đặc biệt là ý kiến toàn diện sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội trước những vấn đề bạo lực phát sinh từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu hai cơ quan tiếp tục phối hợp để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, đánh giá tác động, tính khả thi và nhận diện đầy đủ hơn các hành vi, đối tượng BLGĐ; tiếp tục rà soát và làm rõ hơn 3 nhóm vấn đề như khuyến khích xã hội hóa, làm sâu sắc hơn việc đảm bảo nguyên tắc quyền con người, quyền công dân, quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội... trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Mặc dù đạt được kết quả, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. Từ thực trạng về kết quả thực hiện Luật PCBLGĐ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi Luật PCBLGĐ là rất cần thiết.

HẢI BÌNH

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.