Mở tương lai bằng giá trị người phụ nữ

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, câu chuyện về bình đẳng giới lại một lần nữa trở thành vấn đề mà cả xã hội cần chung tay tìm lời giải đáp.

Thách thức việc làm trong thời đại công nghệ số

Tại Việt Nam, số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động chiếm 45,6% lực lượng lao động của Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn nam giới do sự bất bình đẳng giới trong nhiều trường hợp. Đơn cử như vấn đề khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ để họ phát huy năng lực, nắm bắt xu hướng phát triển của khoa học công nghệ cũng như giúp họ vượt qua được những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế. Tuy vậy, cuộc Cách mạng này cũng mang đến những tác động khó lường mà thách thức đầu tiên chính là việc làm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những công nghệ “tiết kiệm lao động” nên rất khó để tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động. Kể cả có được việc làm thì người lao động tại các nhà máy trong kỷ nguyên này sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn và làm việc trong một môi trường hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay.

Mở tương lai bằng giá trị người phụ nữ - ảnh 1

Hội viên phụ nữ tỉnh Khánh Hòa livestream bán hàng tại Ngày hội “Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh”.

Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong cuộc Cách mạng này. Một trong những lý do chính là do họ không được đại diện cho các công việc có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm tới là các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). 

Một kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế ILO về thị trường lao động Việt Nam thì nhận định: Ở Việt Nam, số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.

Thách thức có thành cơ hội?

Chỉ ít năm trước, chuyện ứng dụng những thành khoa học của cuộc cách mạng 4.0 tưởng như còn xa lạ với đồng bào miền núi. Nhưng không, rất nhiều chị em phụ nữ Sơn La đã nắm bắt được xu thế này, tự tin ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thành công.

Như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Sò Lườn, xã Mường Sang (Mộc Châu). Chị đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh 4ha cam, nhãn, bưởi, hồng giòn, bơ, xoài trên đất dốc, có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2017, chị vận động bà con, thành lập HTX An Phú và được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc. HTX hiện có 10 thành viên, quy mô trên 17ha cây ăn quả, trong đó 10 ha áp dụng hệ thống tưới phun mưa tự động.

Theo chị Thủy, đạt được kết quả trên, ngoài được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, HTX còn được Hội LHPN tỉnh và huyện hướng dẫn sử dụng hòm thư điện tử để giao dịch với các đối tác; sử dụng internet để tìm kiếm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả giữa các thành viên; đăng tải hình ảnh sản phẩm, hoạt động của HTX trên Website để quảng bá, giới thiệu. Nhờ đó, sản phẩm quả của HTX An Phú ngày càng được nhiều người biết đến. Giờ đây, gần như toàn bộ giao dịch của HTX được thực hiện qua internet.

Mở tương lai bằng giá trị người phụ nữ - ảnh 2

Cuộc thi “Genesis - Ý tưởng khởi nghiệp dành cho nữ sinh viên 2024” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức là sân chơi trí tuệ được tổ chức nhằm khuyến khích nữ sinh viên phát huy tư duy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp.

Rõ ràng, làm chủ được công nghệ sẽ giúp phụ nữ làm chủ được cuộc sống của mình. Cùng với đó là sự nhanh chóng thích nghi với thay đổi. Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Danh dự Hội nữ Doanh nhân tỉnh Hưng Yên thừa nhận rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội lớn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại để thúc đẩy tài năng, năng suất, việc làm và thu nhập cao.

Do đó, lao động nữ cần nỗ lực bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới. Có thể thấy, bước ngoặt cho phụ nữ là khi họ dám đổi mới, sáng tạo. Những lợi thế của phụ nữ như tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá sẽ là bàn đạp thúc đẩy họ phát triển bản thân.

Cơ hội còn có thể đến với phụ nữ khi họ dám đề xuất ý kiến, dám thử nghiệm và dám chấp nhận rủi ro. “Riêng trong vấn đề khởi nghiệp, tôi thấy chị em có kiến thức chuyên môn nhưng lại chưa dám thử nghiệm. Không ít doanh nghiệp của chị em còn hạn chế về quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh. Nhiều chị không sử dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Ngay việc bảo hộ trí tuệ, đăng ký thương hiệu và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng bị xem nhẹ nên khả năng cạnh tranh không cao”, bà Hà cho hay. Vì thế, theo bà, càng bước vào cách mạng công nghiệp, càng cần nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ.

Cùng với đó, thiết lập các mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các địa phương, từ đó giúp xây dựng mạng lưới sản xuất – tiêu thụ rộng lớn hơn. “Phải xem 4.0 là cơ hội, chứ đừng sợ nó là thách thức”, bà Hà nói.

Nhiều năm liền nắm vai trò Tổng giám đốc công ty phần mềm MISA, bà Đinh Thị Thúy hiện là một trong những “nữ tướng” có tầm ảnh hưởng nhất làng công nghệ Việt. Bà Thúy cho rằng, làm chủ công nghệ cũng là cách để dung hòa được áp lực gia đình và công việc - một vấn đề mà phụ nữ Việt Nam hay mắc phải mà lại ít được chia sẻ. “Nếu đã hoàn thành việc gia đình, khi vào công việc, phụ nữ sẽ tập trung hoàn toàn, mang lại thành công trong công việc.

Để có thể làm tốt ở cả hai vai trò tại công ty và gia đình, tôi cũng luôn ý thức phải rèn luyện thật tốt về cả trí lực và thể lực, đồng thời, luôn giữ tâm sáng, kiên cường. Ở bất cứ cương vị nào, người phụ nữ cũng cần giữ “lửa” nhiệt huyết và đam mê cho mình, có như vậy họ mới có đủ sức bền để duy trì và làm tốt mọi việc hơn mỗi ngày”, bà Thúy cho biết.

Cần chiến lược hỗ trợ phụ nữ bắt kịp, làm chủ và sáng tạo trong nền kinh tế số

Phụ nữ đang không ngừng vươn lên để chuyển hóa những thách thức trong kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0 thành cơ hội cho bản thân và đóng góp vào nền kinh tế. Phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực, trong đó, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. 

Các con số này đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có thứ hạng cao về chỉ số cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế.

Mở tương lai bằng giá trị người phụ nữ - ảnh 3

Bà Hà Thị Vinh, từ một nữ nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, đã tiên phong ứng dụng công nghệ, vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ và tinh hoa làng nghề nghìn năm tuổi vươn xa.

Tại Việt Nam, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ, các bộ, ngành trong những năm gần đây. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số, dấn thân vào nền kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thúc sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.

Còn theo Bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cần xem xét các vấn đề về giới, nhằm tạo điều kiện cho quá trình phát triển số bao trùm, công bằng hơn, bao gồm: Bảo đảm các quan điểm về giới trong các chính sách số quốc gia; thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học; giảm thiểu các tác động bất lợi, mang yếu tố giới của quá trình số hóa; tăng cường thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn các khía cạnh đầy đủ về giới và đổi mới, công nghệ, đồng thời giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.

Còn theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam cần rất nhiều việc làm đồng bộ. Bởi đến nay, mới có khoảng 28% Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thực hiện một hoặc nhiều hình thức “chuyển đổi số” và chưa đến một nửa trong số đó có “kế hoạch chuyển đổi số”.

Để đẩy mạnh sự phát triển của Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước, bản thân Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ cần có các hành động. Lồng ghép vấn đề Giới vào các Văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ; Trực tiếp hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển; Tăng cường năng lực, kiến thức và khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Tiếp cận các xu hướng chuyển đổi kép…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/3/2025, tại Hội trường Bộ Công an (30 Trần Bình Trọng, Hà Nội), Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ I (2025–2030). Đại hội vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo.
Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam  tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

(PNTĐ) -  Ngày 21/3/2025, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I/2025 nhằm đánh giá, nắm tình hình hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I, định hướng nhiệm vụ quý II/2025. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường trụ sở cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và trực tuyến tại các điểm cầu Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.