Chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022):

Mốc son vàng trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô

Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội đã trở thành mốc son vàng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Mốc son vàng trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 1

Ngày tiếp quản Thủ đô lịch sử
Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. 

Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16h30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. Những ngày sau, tinh thần cách mạng trong nhân dân tiếp tục được lên cao. Từ 5h sáng ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố… kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu. 

8h, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị - Anh hùng quân đội - dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9h45, tiến vào Cửa Đông, TP Hà Nội. 8h45, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, Phố Huế, diễu binh qua Hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay).

9h30, Đoàn Cơ giới và Pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua Phố Huế, đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10h45. Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. 

Hà Nội cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là một nhiệm vụ sống còn trong sự phát triển. Xây dựng Đảng gắn với xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị. Giữ vững nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là yêu cầu trong sự phát triển. Bởi lẽ những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng hướng đến giữ đúng bản chất của Đảng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng thường xuyên, liên tục bảo đảm hệ thống chính trị của Thủ đô giữ vững bản chất, mục tiêu trong sự phát triển. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông về nghiệp vụ, kỹ năng và tinh thần phục vụ nhân dân.

15h, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. 

Phát triển Thủ đô lên tầm cao mới
Ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên tính thời sự, tính bền vững trong tiến trình phát triển của dân tộc, của đất nước. Để có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân cả nước nói chung và của nhân dân Thủ đô nói riêng, Thủ đô Hà Nội cần có giải pháp tổng thể để phát triển bền vững. Từ tư duy, tầm nhìn, vấn đề quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị, đến phát triển kinh tế; từ xây dựng Đảng đến vấn đề cơ sở pháp lý cho phát triển bền vững Thủ đô. 

Đó là, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Khơi dậy những thế mạnh, những tiềm năng trong tiến trình phát triển bền vững trở thành động lực và mục tiêu cho sự phát triển của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. 

Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn 2030 (100 năm ngày thành lập Đảng) và 2045 (100 năm ngày thành lập nước) đã xác định mục tiêu và tầm nhìn của Thủ đô trong tiến trình phát triển bền vững. Nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài là hiện thực hóa tầm nhìn thành những mục tiêu cụ thể trong phát triển Thủ đô. 

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội phải có được những chính sách thích ứng với điều kiện đại dịch Covid-19. Giảm thiểu những tác động của đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời linh hoạt thích ứng với điều kiện đại dịch để phát triển. 

Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính quyết định đối với một thành phố như Thủ đô Hà Nội. Triết lý phát triển bền vững chính là ở nội dung này, quy hoạch, quản lý đô thị trong phát triển, kết cấu hạ tầng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nó như khâu đột phá tạo ra hiệu ứng cho sự phát triển. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

TS TỐNG ĐỨC THẢO

( Phó Viện trưởng Viện Thông tin  khoa học-Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.