Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích thiết thực của thương mại điện tử
(PNTĐ) - Ngày 26/8, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo “Tư vấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề” tại tỉnh Bắc Ninh.

Thông tin tại hội thảo, theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề phát triển đa dạng với khoảng 50 nhóm nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu sang 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm.
Tuy vậy, các làng nghề Việt Nam còn đối diện với rất nhiều khó khăn trong phát triển bởi quy mô nhỏ lẻ, phần lớn sản xuất thủ công. Đặc biệt, những năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề nhiều thời điểm bị gián đoạn, đứt gãy. Hơn nữa, xu hướng hội nhập, các làng nghề phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt.

TS. Tôn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Namcho rằng, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút trầm trọng. Chỉ có doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử của một số doanh nghiệp là tăng từ 20 - 30%. Ở các cơ sở công nghiệp nông thôn, các hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên Internet còn mới lạ với nhiều chủ cơ sở, điều này khiến cho hoạt động thương mại điện tử trong các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá, Bắc Ninh có doanh số bán hàng đứng thứ 4 trên Shopee, thứ 2 là Hà Nội và cao nhất là TP HCM. Thương mại điện tử hiện đang phát triển rất nhanh kể cả trên các mạng xã hội: zalo, FB, Tik Tok. Do đó nếu không đầu tư trí tuệ, nhân lực sẽ không thể cạnh tranh bền vững được. Mục tiêu các tỉnh đạt 22% doanh thu bán hàng trên thương mại điện tử trong năm 2022 là 1 con số cần nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, vì dịch bệnh, các làng nghề không chỉ phải dừng sản xuất, không tạo ra doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn. Trước thực trạng đó, các các cơ sở sản xuất trong làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động chuyển hướng kinh doanh điện tử. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề Vạn Phúc đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Đơn cử như cách làm của Cơ sở sản xuất kinh doanh lụa Lan Sơn, Phương silk, Phúc Hưng, Phong Thư silk,… các cơ sở này đã thành lập các nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 100 hộ gia đình. Thành viên của nhóm bao gồm các hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh thương mại.

Ông Hoàng Văn Luận, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mộc Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho hay, trước đây, hầu hết cơ sở muốn giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng đều phải nhờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng... bây giờ những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua mạng xã hội.
Theo ông Dương Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ cơ sở sản xuất tại các làng nghề, đơn vị đã thẩm định và trình Bộ Công Thương phê duyệt đề án Hội thảo “Tư vấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề” của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Phát triển Làng nghề thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong Chương trình khuyến công quốc gia năm 2022.
Đây là đề án khuyến công quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề, thành viên, hội viên Hiệp hội làng nghề kiến thức về thương mại điện tử; kỹ năng kinh doanh trực tuyến và việc ứng dụng trong tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ...

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh Hoàng Anh Tuấn cho biết, là một tỉnh nằm trong top những địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin, Bắc Ninh đặt mục tiêu và dành nhiều kỳ vọng cho việc phát triển ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng trên địa bàn. Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn xu hướng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thi công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, 100% doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị máy tính có kết nối Internet, hơn 90% doanh nghiệp thường xuyên giao dịch kinh doanh đặt hàng qua thư điện tử. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 25% doanh nghiệp có website riêng, các chỉ số thương mại điện tử của tỉnh luôn đứng thứ hạng cao so với toàn quốc.
Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng website, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức cho cộng đồng về thương mại điện tử thông qua hoạt động truyền thông. Đặc biệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích thiết thực của thương mại điện tử trong xu thế hội nhập để các doanh nghiệp tự đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho việc phát triển thương mại điện tử, phục vụ chính mục đích phát triển kinh doanh.