Nghị quyết số 15: Tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để góp phần đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra, chiều 6/12, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh và phát triển”.

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như: PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; TS Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nhà báo Hồ Quang Lợi  - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế &Đô thị nhấn mạnh, ngày 05/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 15-NQ/TW với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi từ tình hình quốc tế, khu vực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển Thủ đô Hà Nội như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Thủ đô cũng như Nhân dân cả nước. Trong đó, đã đưa ra 4 nhóm quan điểm; tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Thủ đô; 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới; “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Nghị quyết số 15: Tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội - ảnh 1
Các chuyên gia và nhà khoa học tại Tọa đàm

Trên quan điểm, để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, cần sự vào cuộc không chỉ của TP Hà Nội, mà của các hệ thống chính trị từ Trung ương, đến các địa phương trong cả nước, các bộ, ngành Trung ương đã và đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, tại Hà Nội, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội và cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao để quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô (hội thi nhận được hơn 1 triệu lượt thí sinh tham gia dự thi); ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022, trong đó đã đề ra 29 chỉ tiêu chủ yếu và 96 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy Hà Nội, cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn với trách nhiệm đối với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố.

Nghị quyết số 15: Tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội - ảnh 2
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế &Đô thị phát biểu

Để có thêm kênh thông tin từ các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến vào quá trình tuyên truyền, triển khai Nghị quyết, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm hôm nay. Đặc biệt đề xuất các ý kiến để làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm: Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…).

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh... Tập phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô… Xây dựng thể chế, sửa đổi Luật Thủ đô, góp phần thúc đẩy các cơ chế đặc thù, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Hà Nội; truyền thông chính sách.

Cuộc tọa đàm tâp trung vào 3 phần chính: Những điểm nổi bật trong Nghị quyết 15 và tính khả thi; Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu và những vấn đề thực tiễn cần giải quyết; Xây dựng thể chế, cơ chế và truyền thông chính sách

Liên quan đến điểm mới được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW về đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô, GS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích những mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng giai đoạn đã được xác định trong Nghị quyết. Đồng thời cho rằng, trên cơ sở những kết quả triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển Thủ đô trong giai đoạn vừa qua, đây là cơ hội để tiếp tục thay đổi tư duy phát triển cho sự phát triển của Hà Nội.

Để đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu, cần nhận diện được bối cảnh quốc tế, trong nước tác động tích cực và tiêu cực đến vấn đề này như thế nào. Đồng thời, phải nhận diện cho được lợi thế, bất lợi thế đối với phát triển của Hà Nội. Từ đó, để thấy Hà Nội tận dụng được những vấn đề đó như thế nào để tìm ra nguồn lực cho phát triển.

Trong Nghị quyết 15, Bộ Chính trị đã xác định chất văn hóa, tầm văn hóa, vai vế văn hóa của Hà Nội trong sự phát triển quốc gia được định hình rất rõ ràng.

Hà Nội cũng đang xây dựng một quy hoạch phát triển tổng thể cùng cả nước để định hình chân dung văn hóa Hà Nội như là một biểu tượng quốc gia, như là một nơi hội tụ sức mạnh phát triển…

Để hiện thực mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, TS Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng: Hà Nội có 3 lợi thế mà không địa phương nào so sánh được: Dân trí cao, bề dày truyền thống văn hóa; nơi quy tụ doanh nhân, doanh nghiệp rất nhiều. Hà Nội chỉ cần quy tập, tập hợp. Nhưng Hà Nội cũng có những khó khăn như: Dân to hơn quan, của chúng ta tất cả nhưng của ta thì rất ít. Trung ương trong Hà Nội, nhưng Hà Nội trong Trung ương. Hà Nội nên làm lại quy hoạch về kiến trúc, khoa học, môi trường, công nghệ, văn hóa.

Nghị quyết số 15: Tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội - ảnh 3
Các chuyên gia trả lời câu hỏi

Hà Nội phải hoàn thành tốt những việc để phát triển văn hóa, đầu tiên là văn hóa gia đình. Thứ 2 là văn hóa doanh nghiệp, nền tảng tinh hoa của quốc gia.  Thứ nữa là văn hóa công sở. 3 vấn đề này là 3 trụ cột để xác minh nền văn hóa của một địa phương.

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, đương nhiên Hà Nội phải đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua và có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà thể hiện rõ nhất là chính quyền số đã bước đầu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Điều này có thể ghi nhận cụ thể trong công tác cải cách hành chính ở một số quận, huyện, phường xã, được người dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, việc xây dựng xã hội số, đặc biệt là kinh tế số chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên số. Trước hết phải xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách để khích lệ công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tham gia vào việc chuyển đổi số của các yếu tố Nhà nước, phải đặc biệt khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Cần nhấn mạnh rằng, thành phần doanh nghiệp số sẽ quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế số ở Thủ đô Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.