Người dân Hà Nội đánh giá cao mô hình chính quyền 2 cấp
(PNTĐ) - Dù mới vận hành trong thời gian ngắn, nhưng không khí làm việc tại cơ sở đã rất khác: Chủ động hơn, trực tiếp hơn. Việc tái lập HĐND phường cũng diễn ra suôn sẻ nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương và Thành ủy Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền cơ sở tổ chức kỳ họp, phân bổ ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Chính quyền, người dân Hà Nội đánh giá cao mô hình 2 cấp.
Tại phường Xuân Đỉnh sau hơn một tuần triển khai, công tác vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn đang cho thấy những bước khởi đầu vững chắc. Không chỉ là sự thay đổi về mô hình, con người, tổ chức, mà sâu xa hơn là thay đổi về cách nghĩ, cách làm, hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ… Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp giúp giải quyết khâu trung gian, và doanh nghiệp không còn phải chạy vòng quanh xin ý kiến nhiều cấp, rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Đỉnh Nguyễn Thường Sơn, trong những ngày đầu vận hành chính quyền theo mô hình mới, Ủy ban nhân dân phường đã chủ động bắt tay ngay vào các công việc, bảo đảm mọi mặt công tác thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
“Từ ngày 1/7 - 9/7, Điểm phục vụ hành chính công phường đã giải quyết 558/690 bộ hồ sơ, hướng dẫn thực hiện tục hành chính cho 169 trường hợp. Dù số lượng công việc phải giải quyết rất nhiều, ngày đầu tiên có gặp một chút vấn đề về máy móc thiết bị nhưng chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục trong ngày, bảo đảm mọi việc được tiến hành trơn tru, bài bản với tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Đỉnh chia sẻ.

Xã Quảng Bị được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tốt Động, Hợp Đồng, Quảng Bị, Hoàng Diệu và phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Lam Điền (thuộc huyện Chương Mỹ cũ). Trong những ngày qua, tại Điểm Phục vụ hành chính công xã Quảng Bị, mặc dù số lượng người dân đến làm các thủ tục hành chính rất đông song mọi công việc đều được giải quyết nhanh chóng.
Ông Tạ Văn Khuê, chuyên viên lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch xã Quảng Bị cho biết, rút kinh nghiệm từ quá trình vận hành thử nghiệm trước đó, cán bộ xã tại Điểm Phục vụ hành chính công đều nỗ lực làm việc với tinh thần vượt khó, phục vụ nhanh, thuận tiện không để người dân phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần.
Bí thư Đảng uỷ xã Tiến Thắng - Hoàng Anh Tuấn cho biết, đội ngũ cán bộ được tăng cường từ quận, huyện có chuyên môn, trình độ và phong cách làm việc bài bản hơn, nhưng lại chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người dân. Trong khi đó, cán bộ cấp xã trước đây thường xuyên bám sát cơ sở, giải quyết công việc hằng ngày liên quan trực tiếp đến người dân, từ hành chính đến đời sống, văn hóa, xã hội”, ông phân tích.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Chi bộ 5, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn cũ, nay là xã Đoài Phương, việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là một bước đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, mà còn mở ra nhiều cơ hội để địa phương đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể nhân dân, xã Đoài Phương sau sáp nhập sẽ tận dụng được lợi thế về quy mô, nguồn lực để sớm trở thành một địa phương giàu đẹp, văn minh, hiện đại,” ông Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Còn Bí thư Đảng uỷ xã Tiến Thắng cho rằng, sự khác biệt này tạo ra khoảng cách nhất định trong cách thức xử lý công việc. Cán bộ cấp huyện về có thể giỏi chuyên môn, nhưng thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống sát dân; trong khi cán bộ xã tuy gần dân nhưng còn hạn chế về trình độ, kỹ năng tổng hợp.
“Do đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp hành chính cho cán bộ xã/phường là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, cũng cần có cơ chế rõ ràng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở, như vị trí Trưởng thôn, hay Bí thư chi bộ ở thôn. Phải lựa chọn người có năng lực, có trình độ, am hiểu địa bàn... Cần sàng lọc, bồi dưỡng, đào tạo những lớp cán bộ kế cận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
Tại phường Phương Liệt, lực lượng chức năng cũng ra quân xử lý các công trình xây dựng trái phép tại khu vực hồ Dọc Ngang. Sau nhiều đợt tuyên truyền, vận động bất thành, Ủy ban nhân dân phường đã chỉ đạo tháo dỡ 750m2 nhà tôn, công trình tạm lấn chiếm đất công. Điều này thể hiện tinh thần nghiêm minh, không có vùng cấm trong thực thi công vụ…
Có thể thấy, chính quyền địa phương 2 cấp đi vào thực hiện có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, bảo đảm kết nối số, giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả. Đây là một sự thay đổi lớn không chỉ về tổ chức, mà còn về nhận thức, tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị.
Hơn một tuần trôi qua với nhiều khởi sắc, nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy quyết tâm. Chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là mô hình hành chính mới, mà đó còn là lời cam kết của Hà Nội trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, liêm chính, phục vụ, minh bạch và hướng tới phát triển bền vững.