Người làm nghiên cứu khoa học được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 17/2, tại kỳ họp Quốc hội bất thường thứ 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về tên gọi của nghị quyết, cơ quan soạn thảo xin đề xuất tên gọi mới: Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Người làm nghiên cứu khoa học được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình

Theo Bộ trưởng, nghị quyết không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt, thuộc thẩm quyền Quốc hội, về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, các vấn đề cấp bách, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57.

Bộ trưởng cho biết, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề về thể chế, chính sách và cơ chế cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được nghiên cứu tiếp thu khi hoàn thiện các luật này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN.

Về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu KHCN, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu; về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, theo Bộ trưởng, đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài. Gốc của vấn đề là Nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu, và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao, như các nghiên cứu cơ bản.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nghiên cứu lại có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Do đó, dự thảo Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Dự thảo Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

"Hi vọng với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách, cơ chế quản lý khác nhau, tạo thông thoáng cho cả 2, thì chi ngân sách nhà nước cho KHCN đang là 1% sẽ tăng lên tối thiểu 2% như quy định của Luật KHCN, và có hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, theo Bộ trưởng, đây đang là điểm nghẽn lớn kéo dài. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa thì mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu, để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.

Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà. Vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ KHCN cao hơn, đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước với các khoản chi KHCN.

Tin cùng chuyên mục

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/3/2025, tại Hội trường Bộ Công an (30 Trần Bình Trọng, Hà Nội), Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ I (2025–2030). Đại hội vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo.
Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam  tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

(PNTĐ) -  Ngày 21/3/2025, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I/2025 nhằm đánh giá, nắm tình hình hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I, định hướng nhiệm vụ quý II/2025. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường trụ sở cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và trực tuyến tại các điểm cầu Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.