Nhớ mãi khúc tráng ca hào hùng của mùa Xuân năm 1975

Chia sẻ

Gần 86 tuổi, Trung tá Lưu Vân Trường vẫn nhớ như in lời Bác Hồ dạy: Trong chiến đấu ác liệt hy sinh như thế này, còn đảng viên thì còn lãnh đạo, còn cán bộ là còn chỉ huy. Còn 1 người cũng phải chiến đấu, phải đánh địch đến người cuối cùng, bắn viên đạn cuối cùng để góp phần giải phóng miền Nam...

Trung tá Lưu Vân Trường (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh Hà NộiTrung tá Lưu Vân Trường (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh Hà Nội

Lời dạy đó đã thấm nhuần trong ông và các chiến sĩ để làm nên một chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975, giúp Bắc - Nam sum họp một nhà.

Trung tá Lưu Vân Trường từng là Chính trị viên Tiểu đoàn K34, Trung đoàn 96, Đoàn Pháo binh Biên Hòa, Chính ủy Lữ đoàn 166, Quân đoàn 14 là một trong những nhân chứng lịch sử của chiến thắng hào hùng 46 năm về trước.

Nhớ từng chi tiết lịch sử, ông Trường cho hay: Tháng 3/1975, khi chúng ta mở chiến dịch Tây Nguyên, cấp trên cho tham khảo ý kiến nên đánh vào đâu, đánh vào chỉ huy sở quân đoàn 3 là thị xã Gia Lai thì quân địch rất mạnh. Nếu đánh vào Kon Tum thì gần miền Bắc, dễ chi viện, nhưng địch có khả năng nhận định được điều đó. Sau đó chúng ta bàn bạc, đồng chí Hoàng Minh Thảo, thuộc Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên có nói đánh vào đâu theo phương châm là tìm chỗ yếu nhất của địch, đánh sao để địch bủn rủn. Sau đó chúng ta quyết định đánh vào Buôn Ma Thuột. Chúng ta tập trung lực lượng 3 sư đoàn: Sư đoàn 10, sư đoàn 470 và 316 và đánh đến 2 giờ sáng ngày 10/3 thì bắt sống quân địch.

Ngày 30/3/1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Trong Nghị quyết Bộ Chính trị có phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng”. Quân ta khí thế mạnh, địch chạy cố thủ ở Sài Gòn. Lúc này Bộ Chỉ huy mặt trận đề nghị Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng Sài Gòn, mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị nhất trí, ngày 24/4, tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch có mặt tại Thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) nhận lệnh vào đánh chiến dịch Hồ Chí Minh. Ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh và tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chúng ta phân công các đơn vị khá bài bản với 5 cánh quân. Quân đoàn 1, trừ sư đoàn 308 nghi binh ngoài Bắc đắp đê, giúp dân (vì từ trước đến nay địch thường nghĩ cứ có sư đoàn 308 là chiến dịch lớn nên để tránh sự chú ý của địch). Quân đoàn 1 có trách nhiệm chiếm được trung tâm hành quân của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân. Quân đoàn 2 chiếm Dinh độc lập. Quân đoàn 3 hướng Tây Bắc có trách nhiệm chiếm được Bộ Tổng tham mưu Ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Đoàn 232 thành lập ở miền Tây đánh vào phía Tây Nam lên Sài Gòn, có trách nhiệm chiếm biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát Ngụy. Quân đoàn 4 phải chiếm được ga Sài Gòn. Đơn vị ông Trường lúc này từ trường pháo binh thành lập thành trung đoàn để chiến đấu, được trang bị 1 tiểu đoàn pháo chi viện bắn thẳng vào Dinh Độc lập, 1 tiểu đoàn pháo cối bắn các lô cốt kiên cố, và tiểu đoàn hỏa tiết.

17 giờ ngày 26/4, tất cả các đơn vị được phân công bắt đầu tấn công. Lúc đầu, ta có lệnh cho bộ binh, đặc công phá các cầu, nhưng khi đến giờ thì làm ngược lại, giao nhiệm vụ giữ các cầu để xe tăng vào.

Ngày 27-28/1975, các đơn vị trên đường đi cứ có địch là đánh. 5h chiều ngày 28/4/1975, phi đội không quân của ta, có phi công và một số đồng chí đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất, khiến sân bay tê liệt.

Ông Trường nhớ lại sự đặc biệt trong trận chiến hào hùng này: “Trận địa của chúng tôi có 12 khẩu súng, bắn từ 5h sáng 30/4. Đến 11 giờ, ông được nhận lệnh, trực tiếp chỉ huy trận địa là ngừng bắn, chờ lệnh. Sau đó nhận lệnh là đã bắt được toàn bộ nội các Ngụy quyền rồi, các trận địa dừng không bắn nữa. Khi ngừng bắn, biết tin quân Việt thắng trận, ông Trường đã xin cấp trên là anh em ở ngoài Bắc muốn vào Dinh Độc lập xem. 4 lá cờ giải phóng cắm vào xe để nhận diện là quân ta, chiếc xe tiến vào tận nơi Dinh Độc lập, chứng kiến cảnh người dân ùa ra đường đón tiếp, ăn mừng chiến thắng mới cảm thấy hạnh phúc đến chừng nào...

Khép lại câu chuyện hào hùng của mùa Xuân năm 1975, Trung tá Lưu Vân Trường kể một mơ ước thời tuổi trẻ và nhắn nhủ thế hệ trẻ: “Năm 1954, tôi chỉ mơ một ngày được cầm cờ đỏ, được vào Đoàn thanh niên. Sau này có những chiến sĩ của chúng tôi trước khi mất, chỉ mơ một ngày vào Đảng, vào Đoàn. Mong các thế hệ trẻ hiểu được, sự sáng suốt của Đảng trong cuộc Cách mạng và cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1975, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến xây dựng Tổ quốc hôm nay”.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục