Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc

Hoàng Nhất
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến anh hùng. Nhân dân Hà Nội yêu chuộng hòa bình, thiết tha với độc lập, tự do. Kể từ "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ mùa thu năm 1010 đến nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Lớp lớp thế hệ người Hà Nội đã kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, sáng tạo trong lao động, đoàn kết nhân ái, tạo nên một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc - ảnh 1
Hoạt cảnh phục dựng hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội rợp cờ đỏ sao vàng trong sự đón chào hân hoan của người dân Thủ đô. Ảnh: Dân Trí

Sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho Tổ quốc
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, giữa lúc phong trào yêu nước ở Việt Nam đang bế tắc về con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Người đã tìm ra chân lý: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác bằng con đường cách mạng vô sản. Hà Nội, một trung tâm văn hóa, một đầu mối giao thông quan trọng hàng đầu của cả nước luôn nhạy cảm trước sự thay đổi của tình hình, đã sớm tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Các sách báo, tài liệu từ Pháp, từ Trung Quốc gửi về đã được người dân Hà Nội, trước hết là tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh háo hức đón nhận.

Trong đội ngũ ấy, tiêu biểu là các đồng chí: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng... Được lý luận Mác - Lênin soi sáng, tinh thần yêu nước cách mạng đã được truyền tới đồng bào cả nước, nhất là ở Hà Nội và trong lớp thanh niên, học sinh Hà Nội, nhiều người có tư tưởng tiến bộ quyết tâm tìm hiểu cách mạng, đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho Tổ quốc.

Cuối năm 1926, sau khi học xong lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Công Thu được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước lập đường dây liên lạc đưa đón cán bộ đi Quảng Châu và chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức thanh niên ở Hà Nội. Sau khi kết thúc khóa học, nhiều người đã trở về nước hoạt động. Hà Nội từ đó trở thành nơi đưa đón anh em thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện và từ Quảng Châu về nước hoạt động. Các địa điểm bí mật là: Nhà số 8 Ô Chợ Dừa, số 37 ngõ Tân Hưng (nay là ngõ Tức Mạc), số 47 Công sứ Mi-ri-be (nay là phố Trần Nhân Tông), khách sạn Nam Lai số 95 phố Hàng Lọng (nay là số 107 đường Lê Duẩn), ga Hàng Cỏ, bến ôtô Cột đồng hồ (phố Trần Nhật Duật).

Cuối năm 1929, sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở trong nước đã thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ. Nhưng tình trạng phân tán của các tổ chức cộng sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự đi lên của phong trào cách mạng. Một yêu cầu thực tế đặt ra là phải sớm thống nhất các tổ chức cộng sản đó thành một chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất Đảng đã chính thức lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập: Đánh dấu một thời kỳ đấu tranh mới
Ngay sau sự kiện vĩ đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc", Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên. Cuối tháng 4/1930, đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy lâm thời, được Trung ương điều đi công tác ở nước ngoài. Tháng 6/1930, đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở 177 phố Hàng Bông để tổ chức lại Thành ủy. Thành ủy Hà Nội được kiện toàn do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư cùng 2 ủy viên là Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu. Sau khi kiện toàn tổ chức, để thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy về việc đẩy mạnh đấu tranh, phát triển tổ chức, chống khủng bố của quân thù và hưởng ứng phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Thành ủy lập đội tuyên truyền xung phong do đồng chí Lê Đình Tuyển làm đội trưởng. 

Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc - ảnh 2
Phòng trưng bày hiện vật lịch sử tại Nhà 5D (phố Hàm Long, Hoàn Kiếm,  Hà Nội), di tích cách mạng đánh dấu mốc son lịch sử về ngày thành lập Chi bộ 5D Hàm Long - Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.

Ngoài công tác vận động công nhân, Đảng bộ còn coi trọng các công tác vận động các giới khác như phân công đồng chí Lều Thọ Nam phụ trách học sinh, đồng chí Đặng Xuân Khu phụ trách sinh viên, binh lính, một số đồng chí phụ trách thanh niên, phụ nữ... Từ những chủ trương đó, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng ngày một phát triển. 

Việc thành lập Đảng bộ Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội ngày 17/3/1930 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của Hà Nội. Sự kiện này gắn bó chặt chẽ và là kết quả trực tiếp của phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Hà Nội trong những năm sôi sục của cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Nó biểu hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô và đánh dấu một thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội - thời kỳ có sự lãnh đạo trực tiếp của đội tiên phong của giai cấp công nhân. 

Trong cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện sự lãnh đạo sáng tạo, bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm ghi thêm một chiến công chói lọi trong trang sử vàng truyền thống đấu tranh bất khuất của Thăng Long -Đông Đô - Hà Nội, ghi dấu một bước trưởng thành nổi bật của Đảng bộ Hà Nội - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Thành phố - qua 15 năm kiên trì, đấu tranh gian khổ vận động cách mạng, chịu nhiều hy sinh, mất mát, được tập dượt, rèn luyện, thử thách trong những cao trào cách mạng 1930-1931; 1936-1939 và 1939-1945 ở trung tâm đầu não cai trị của kẻ thù. 

Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc - ảnh 3

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã trực tiếp tạo ra những thế, lực mới cho phong trào cách mạng ở Hà Nội để bước vào thời kỳ xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ. Thắng lợi đó khẳng định tính đúng đắn, cần thiết của chủ trương đại đoàn kết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đường lối kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; sách lược phân hóa kẻ thù, nghệ thuật chớp thời cơ để Hà Nội trở thành niềm tin cho cuộc đấu tranh của cả nước. Đồng thời, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội đã kịp thời đóng góp những kinh nghiệm thực tế quý báu cho phong trào khởi nghĩa trong cả nước mau chóng thành công và làm phong phú kho tàng lý luận của Đảng về khởi nghĩa vũ trang ở một địa bàn đô thị.

Ngày 2/9/1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội thuộc mọi tầng lớp ở nội thành và các vùng lân cận nô nức đổ về quảng trường Ba Đình để chứng kiến một sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước, của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, long trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nhân dân lao động đã thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Từ thời khắc lịch sử đó, Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục