Nơi lưu giữ dấu tích lịch sử hào hùng của vị lãnh tụ vì nước, vì dân
(PNTĐ) - Căn nhà 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội sau bao thăng trầm của lịch sử vẫn trường tồn cùng đất nước. Nơi đây là chứng tích lịch sử cho mùa Thu tháng 8/1945, Bác Hồ trở về Thủ đô sinh sống và làm việc, “thai nghén” bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Mỗi đồ vật đều mang dấu tích của Người
Sau 79 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) trước toàn thể quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình, căn nhà 48 Hàng Ngang giờ đây trở thành di tích lịch sử, mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Những hướng dẫn viên đang làm việc tại đây cho biết, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến để được nghe những câu chuyện về Bác, nghe về những trang lịch sử hào hùng vẻ vang của dân tộc. Càng cận ngày lễ Quốc khánh 2/9, lượng khách đến tham quan càng đông hơn…
Trải qua thăng trầm cùng lịch sử, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn nguyên vẹn. Tầng một của ngôi nhà trưng bày những tư liệu theo chủ đề. Tầng hai, ấn tượng nhất là chiếc bàn lịch sử đặt một chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã từng sử dụng, nơi Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, các hiện vật giới thiệu về phòng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người ở và làm việc tại đây. Phòng họp có đặt chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián ở giữa, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu bàn, đều bọc nỉ xanh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương đã làm việc. Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương. Căn phòng nơi Bác Hồ viết ra bản Tuyên ngôn độc lập hướng ra phố Hàng Ngang.
Ngày 26/8/1945, Bác từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội và ở lại căn nhà 48 Hàng Ngang. Trong phiên họp đầu tiên ở Hà Nội do Bác làm chủ tọa, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời. Ngày ra mắt của Chính phủ cũng là ngày chính thức tuyên bố độc lập. Bác sẽ là người đảm nhiệm viết Tuyên ngôn độc lập để công bố trước toàn thể người dân Việt Nam và các nước trên thế giới, về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Giới thiệu về những ngày Bác Hồ lưu lại trong căn nhà viết Tuyên ngôn độc lập, chị Cao Thị Hồng - cán bộ Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội nhắc tới hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng: “Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi ông cụ có cần giúp đỡ gì không, thì ông cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào ông cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử”.
Chị Cao Thị Hồng cho hay: “Sau khi ở trên gác 3 được hai ngày, Bác đề nghị bà chủ nhà thu xếp một phòng ở tầng 2. Dù tầng 3 thoáng, mát và yên tĩnh trong khi phòng ở tầng 2 thông với phòng khác, nhưng Bác nói Bác muốn sống cùng anh em, muốn xuống ở cùng với anh em cho ấm cúng. Từ đó, căn phòng làm việc ở gác hai luôn đỏ đèn rất khuya. Căn phòng nhỏ có kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có lưng tựa cao, bọc vải trắng và một chiếc ghế dài. Chính trong căn phòng này, Bác đã viết bản Tuyên ngôn độc lập. Tranh thủ từng giờ, từng phút, khi mệt Bác chỉ tựa lưng vào ghế nghỉ ngơi giây lát rồi lại làm việc tiếp…”.
Những năm qua, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội luôn cố gắng giữ nguyên hiện trạng của căn phòng giúp du khách cảm nhận nét giản dị của Bác khi lưu lại đây. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, hướng dẫn viên tại di tích nhà số 48 Hàng Ngang tâm sự: “Mặc dù là hướng dẫn viên gắn bó với ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã lâu nhưng mỗi lần được tiếp từng đoàn khách, gợi mở cho mọi người từng câu chuyện, đồ vật về ngôi nhà và cả về chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tôi lại cảm thấy hết sức tự hào và xúc động. Mỗi khu vực, đồ đạc trưng bày trong ngồi nhà này đều in dấu tích của Người trong những ngày làm việc ở đây. Tôi mong rằng mỗi mảnh ghép của lịch sử ở đây chính là món quà nghĩa tình lớn nhất khi du khách có dịp ghé qua”.
Nhớ mãi hình ảnh vị lãnh tụ giản dị
Sẽ là thiếu sót khi kể về căn nhà 48 Hàng Ngang mà không nói tới chủ nhân của ngôi nhà là đôi vợ chồng yêu nước - ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Khuất Duy Tiến liên hệ và giác ngộ cách mạng đối với ông Trịnh Văn Bô. Không lâu sau đó, cả gia đình ông tham gia Mặt trận Việt Minh. Vì vậy, đây là cơ sở tin cậy của Việt Minh ở nội thành Hà Nội. Đặc biệt hơn, đây là ngôi nhà cao tầng ở phố Hàng Ngang, có cửa sắt chắc chắn thuận lợi cho công tác bảo vệ.
Ngôi nhà có hai cổng: Cổng chính số 48 Hàng Ngang, cổng sau số 35 Hàng Cân. Là ngôi nhà cao tầng nên có thể bao quát được xung quanh, từ trên gác 2, gác 3 có thể bước sang nóc nhà bên cạnh mà không cần phải qua cầu thang hoặc xuống đường nên khi có động rất dễ di chuyển. Cửa hàng lớn, khách ra vào tấp nập cũng là điều kiện tốt. Với những yếu tố như vậy nên ngôi nhà 48 Hàng Ngang hoàn toàn thuận lợi cho Bác và các đồng chí Trung ương Đảng ở và làm việc.
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 đầy gian khó, chủ nhân ngôi nhà đã tình nguyện làm nơi làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Theo lời kể của ông Trịnh Lương - con trai bà Hồ, lần đầu tiên đến nhà 48 Hàng Ngang, Bác ăn mặc rất giản dị, đội mũ dạ, đi đôi dép cao su. Khi ấy ông Lương mới 10 tuổi, chỉ được giới thiệu đó là “ông cụ dưới quê” lên chơi.
Ngày ấy, gia đình ông Lương vẫn sử dụng tầng 1 để bán hàng tơ lụa cho khách, chủ yếu là người dân Hà Nội và một số dân buôn từ các tỉnh, phần còn lại gia đình dành cho các đồng chí Trung ương ở và làm việc. Một hôm, có 3 ông khách người Mỹ đến nhà lên tầng 3 gặp “ông cụ”. Gia đình ông Lương khá bất ngờ khi “ông cụ” nói tiếng Anh, tiếng Pháp rất sành, chẳng mấy khi sử dụng người thông ngôn. Về buổi nói chuyện hôm đó, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp có kể lại: Khi đang đọc một tờ bản thảo viết tay của “ông cụ”, bất ngờ Pasty (một trong 3 ôn khách người Mỹ) quay sang nói: “Hình như tôi đã đọc được những dòng này ở đâu đó?”. “Ông cụ” điềm đạm trả lời: “Đó là những điều mà bản Tuyên ngôn nhân quyền bất hủ của đất nước các bạn đã ghi”...
“Khi đó tôi chỉ hơn chục tuổi nhưng tôi và bạn bè quanh khu này hoạt động sôi nổi lắm. Chúng tôi tham gia vào các đội hướng đạo sinh. Các “sói con” đi khắp các khu phố, con đường dải truyền đơn ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất với tôi là vào ngày mùng 2/9, vị khách dưới quê ở nhà mình lại chính là Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh”- ông Trịnh Lương kể.