Nữ công nhân môi trường được vinh danh “Công dân Thủ đô Ưu tú”

Chia sẻ

Gần 30 năm cần mẫn với công việc âm thầm, khó nhọc này cũng là ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu đón Giao thừa trên đường phố, chung vui năm mới với mọi người bên chiếc chổi tre, thùng rác giữ cho phố phường luôn sạch đẹp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu sinh năm 1968. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết cấp 2, chị Hiếu nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, bươn trải nhiều nghề và chủ yếu đều là những nghề khá vất vả, từ buôn bán hoa quả, công nhân may. Đến năm 1991, chị vào làm công nhân của công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm tới bây giờ. Thời gian đầu, chị làm việc vào ca ngày. Sau khi được tín nhiệm giữ chức Tổ trưởng Tổ môi trường 1, chị chuyển sang làm ca đêm, bắt đầu từ 19h. 28 năm qua, chị quen thuộc từng vị trí đặt thùng rác, từng khu vực có nhiều hay ít rác xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến và góp phần vào những đổi thay của địa danh đẹp nhất, tiêu biểu nhất của Thủ đô.

Chị Hiếu chia sẻ: “Công việc phục vụ vệ sinh môi trường đòi hỏi người công nhân phải có sức khỏe, chịu khó, cần mẫn và thái độ hòa nhã với mọi người. Bởi chúng tôi không chỉ là người quét rác, tập kết rác, mà còn là người tuyên truyền, vận động người dân vứt rác đúng chỗ, đúng giờ quy định, có những thói quen và hành vi tốt với môi trường. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm lại là một địa điểm có nhiều người tới chơi, tham quan, nên rác theo đó cũng nhiều theo. Chị em làm ca 8 tiếng, nhưng hầu như ngày nào cũng phải làm thêm giờ. Với những người làm ca đêm bắt đầu từ 19h tối hôm trước, ngày thường thì 1 - 2h sáng được về, còn những ngày có phố đi bộ, hay mưa bão, thì có khi 4 - 5h sáng mới chuyển xong rác lên xe cẩu mang đến nơi tập kết và về nhà khi ngày mới đã bình minh”.

Nhưng chị Hiếu vẫn gắn bó với cái nghề khắc nghiệt, nhiều rủi ro này. 28 năm gắn bó với công việc này, chị đã đón gần như 28 Giao thừa ngoài đường phố hồ Hoàn Kiếm. Nhớ về kỷ niệm ấy, chị rơi nước mắt vì nhiều điều mà nghề đã mang đến cho mình.

Chị kể: “Ngày các con còn nhỏ, tôi vất vả hơn bây giờ nhiều. Chồng tôi làm bảo vệ, hai vợ chồng đều đi sớm về sáng, nên hai đứa con hầu như phải gửi ông bà hoặc hàng xóm trông. Có lần được về trước Giao thừa để đón con, nhưng đón được rồi thì lại không bắt được xe ôm về nhà, vì người ta đi đón Tết hết rồi, thế là ba mẹ con dắt nhau đi bộ trên đường. Vậy mà tôi vẫn không bỏ được cái nghề này, bởi đã quen người, quen việc rồi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu.Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu.

Những cái Tết đón giữa lòng người đi ngắm pháo hoa trên hồ Hoàn Kiếm, vẫn cầm chổi khi tiếng đồng hồ đã đếm ngược đến thời khắc năm mới, dù có thoáng chạnh lòng, nhưng nhìn thấy xung quanh toàn là niềm vui, nụ cười, trong tôi lại nhen lên niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Đó cũng là cảm xúc chung của các chị em trong tổ chúng tôi”.

Công việc mang lại cho các chị nhiều điều bất ngờ. Đã mấy năm nay, cứ qua Giao thừa một lúc, có một gia đình trẻ đỗ ô tô trước chỗ các chị làm việc, bố mẹ và hai con nhỏ lại xách quà và tặng lì xì các chị. “Họ hỏi thăm và bắt tay, chúc Tết chúng tôi như những người bạn thật gần gũi. Và còn nhiều tình cảm đời thường nữa, những nụ cười chúng tôi trao gửi hàng ngày trên mỗi tuyến phố mà mình và chiếc thùng rác đi qua”. Gương mặt và nụ cười quen thuộc của chị đã để lại sự cảm mến với những người từng tới hồ Hoàn Kiếm.

Từ khi đảm nhận chức Tổ trưởng vào năm 2008 và vinh dự trở thành Đảng viên năm 2014, trách nhiệm và công việc của chị Hiếu tăng lên nhiều. Chị quản lý thêm công việc thu gom rác của phường Hàng Bạc và thu phí vệ sinh môi trường các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Và phải chủ động quan tâm nhiều hơn tới đời sống, tâm tư chị em nữa. Làm tổ trưởng đòi hỏi phải tâm lý, công bằng, hợp lý, tạo sự thoải mái cho chị em, để tránh gây ra những trục trặc, hiểu lầm, ảnh hưởng và trì trệ công việc. Hơn nữa, phải sắp xếp hài hòa giữa công việc và gia đình, để yên tâm làm việc.

Chị Hiếu có hai con gái đều học và làm trong ngành Y Dược. Chồng chị đã mất hồi đầu năm, giờ chị một mình mưu sinh nuôi con gái nhỏ học hành nên người. Các con chị thương mẹ nên rất tự lập và có ý thức bảo ban nhau. Chị bảo mình như “con thoi” quả không sai, đến cái tin mình được vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú cũng là do hàng xóm mừng cho chị mà chạy vội sang nhà báo tin. Đây là lần đầu tiên, một nữ công nhân vệ sinh môi trường được Thủ đô vinh danh Công dân Ưu tú.

Gần 30 năm gắn bó với nghề dọn vệ sinh môi trường, chị Hiếu đã có nhiều thành tích xuất sắc và được khen thưởng: Năm 2010, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chị còn được Chủ tịch UBND thành phố, Công đoàn ngành Xây dựng tặng Bằng khen. Hàng năm, chị đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, “Người tốt, việc tốt” cấp công ty, danh hiệu “Gia đình văn hóa” của phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội).

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.