Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới

Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 20 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tổ chức nền nếp, rộng khắp trong cả nước và thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã bám sát quan điểm chỉ đạo, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nỗ lực phấn đấu gương mẫu đi đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, tập hợp, vận động nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên. Cùng sự tin tưởng của nhân dân Thủ đô đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Hà Nội đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, xã hội; thế và lực của Thủ đô đã được nâng tầm, hình ảnh, uy tín của Thủ đô được nâng cao. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, có Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân Thủ đô đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới - ảnh 1
 Lãnh đạo Trung ương và Thành phố tham quan các gian hàng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố.   Ảnh: PV

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp toàn Thành phố luôn phát huy hiệu quả vai trò chủ trì phối hợp trong xây dựng, triển khai thực hiện chương trình thống nhất hành động, tập hợp, vận động nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Nhờ củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu và kết quả nổi bật của Thủ đô. Đó là, trong 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn Thành phố có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội, 9.978 nhà Đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng dịp ngày hội.

Toàn thành phố đã có 89.485 khu dân cư tổ chức ngày hội, trong đó, 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội (đạt tỷ lệ 88%), có 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”.

Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch; đã tiếp nhận ủng hộ tổng số tiền và hàng hóa trị giá 916,8 tỷ đồng; tiếp nhận, ủng hộ Quỹ “Vắc-xin phòng Covid-19” của Trung ương 556,3 tỷ đồng; tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gần 846,6 tỷ đồng…

Phát huy hơn nữa hiệu quả từ “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11), có sự tham dự, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố cùng sự tham gia đông đủ của bà con nhân dân ở địa bàn dân cư. Ngày hội đã có sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống của nhân dân, là dịp tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận, khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy sức sáng tạo trong nhân dân.

Hàng năm, danh hiệu văn hóa ở các địa phương được giữ vững và phát huy, tỷ lệ đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao, trong đó, năm 2022: Có 88% đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.360/2.149 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, chiếm tỷ lệ 63%; 2.356/3.249 tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, chiếm tỷ lệ 72,5%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%; 48.670 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng, có 13.975 tập thể tiêu biểu được khen thưởng trong ngày hội.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới - ảnh 2
Ngày hội Đại đoàn kết đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội. Ảnh: PV

Đặc biệt, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại cơ sở để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại thị xã Sơn Tây, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện đi vào nền nếp, gắn chặt với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay và nhiều điển hình tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực. Phong trào vận động sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân đã thu hút hàng nghìn lượt hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi bốn cấp, hàng năm có khoảng 400 lượt hội viên đạt danh hiệu kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào đã đem lại hiệu quả thiết thực; đến nay, thị xã có gần 200 trang trại cho hiệu quả kinh tế cao; 300 vườn sinh vật cảnh, trong đó có hàng chục vườn có giá trị trên 1 tỷ đồng, nhiều vườn có giá trị trên 500 triệu đồng, thu hút hàng trăm lao động…

Tại huyện Mê Linh, trong 20 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện Mê Linh đã phối hợp thực hiện 20 đợt vận động tháng cao điểm “Vì người nghèo”, vận động được trên 16,7 tỷ đồng, trợ giúp cho 866 hộ nghèo, công đoàn viên nghèo xây dựng Nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 12 tỷ đồng; phối hợp triển khai dự án hỗ trợ cho 39 hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản đạt 390 triệu đồng; hỗ trợ 5.319 lượt học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn, rủi ro, bệnh hiểm nghèo, người có khó khăn đột xuất với số tiền trên 2,6 tỷ đồng… Trong 20 năm, toàn huyện đã xây mới được 282 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 222 nhà Đại đoàn kết; 256 nhà Đại đoàn kết được trao trong dịp tổ chức Ngày hội.

Trong khi đó tại huyện Thường Tín, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ở hầu khắp các khu dân cư đều tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, các mô hình văn hoá, thực hiện nếp sống văn hoá trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Hàng năm, số hộ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến và khu dân cư văn hoá ngày càng tăng.

Năm 2003 cả huyện có 44 nhà văn hoá, 31.447 hộ đạt gia đình văn hoá, 46 khu dân cư được công nhận văn hoá, 103 làng xây dựng được quy ước văn hoá. Đến năm 2023 có 161/161 nhà văn hoá, 70.076 hộ đạt gia đình văn hoá, 155 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hoá, 161/161 làng, tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hoá.

Thông qua ngày hội đã góp phần khơi dậy, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đã lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” với phương châm “Trang trọng - thiết thực - hiệu quả - tiết kiệm”. Kết quả, 100% tổ dân phố đã tổ chức ngày hội với đầy đủ phần lễ và phần hội, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

 Đặc biệt năm 2023, phường Long Biên đã vận động đóng góp trên 200 triệu đồng vào “Quỹ Vì người nghèo”; trên 190 triệu đồng vào “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam”. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, phường đã tặng 33 sổ bảo hiểm xã hội cho 33 thành viên hộ cận nghèo với số tiền trên 32 triệu đồng; tặng quà cho 15 người khuyết tật đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày 18/4 với số tiền 7,5 triệu đồng; tặng 28 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 17 cháu có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng hành động vì trẻ em với số tiền trên 22 triệu đồng. Bên cạnh đó, phường đã hỗ trợ đột xuất khó khăn cho 3 hộ gia đình với số tiền 5 triệu đồng; hỗ trợ 12 hộ cận nghèo ổn định cuộc sống với số tiền gần 30 triệu đồng; hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi là người khuyết tật cô đơn có hoàn cảnh khó khăn đang hưởng trợ cấp hàng tháng hàng chục triệu đồng.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới - ảnh 3
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là ngày Tết đặc biệt trong các khu dân cư.   Ảnh: Thế Khanh

 20 năm - một chặng đường tuy chưa phải là dài đối với quá trình xây dựng và phát triển của một phường nhưng những thành quả đã đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực một lần nữa ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm và sự đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân phường Long Biên trên bước đường xây dựng phường phát triển vững mạnh, toàn diện.

Với phương châm “hướng về cơ sở”, Mặt trận còn thể hiện vai trò hạt nhân trong kêu gọi các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhân đạo, ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đặc biệt, trong năm qua, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và quận Thanh Xuân đã trích từ nguồn ủng hộ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ, chia sẻ cho các nạn nhân. Qua 2 đợt, tổng số tiền trao cho các nạn nhân là 130,12 tỷ đồng. Đây thực sự là tấm lòng cao quý, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội mong muốn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả để mỗi khu dân cư luôn đoàn kết, gắn bó, đồng tâm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chăm lo giúp đỡ người nghèo; xây dựng khu dân cư đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc trong nhân dân

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và UBND Thành phố trong triển khai tổ chức Ngày hội, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để tổ chức Ngày hội một cách thiết thực, hiệu quả: 100% các khu dân cư trên địa bàn tổ chức Ngày hội, 88% khu dân cư tổ chức cả phần Lễ và phần Hội, 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” do các hộ gia đình tự nguyện đóng góp; biểu dương 172.478 tập thể và 613.211 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Nội dung hoạt động thiết thực, gắn liền với đời sống nhân dân, xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo trong tổ chức Ngày hội…

Để phát huy và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong thời gian tới, trước tiên, mỗi cán bộ Mặt trận phải không ngừng tự phấn đấu vươn lên, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt các công việc phát sinh.

Mặt trận các cấp tiếp tục không ngừng nâng cao tính chủ động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Đồng thời, Mặt trận luôn lắng nghe ý kiến, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giữ gìn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Năm 2023, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tạo điểm mới trong công tác tổ chức Ngày hội. Đó là, cùng với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc năm 2023 ở cộng đồng dân cư sẽ tổ chức chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Cùng với đó là chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, đề ra các giải pháp nhằm tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Trong hai ngày diễn ra lễ Quốc tang, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng kín các con đường hướng về Nhà văn hoá thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội và Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Nhân Tông. Trong dòng người đó, có những người bạn học cũ từ thời niên thiếu, bạn đại học của Tổng Bí thư. Họ đều tuổi đã cao, mắt mờ, chân run, tóc bạc hoa râm, vẫn lặng lẽ tiễn đưa người bạn lớn…
Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã thành kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.