Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô

THU HẰNG (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” cho thấy, Hà Nội đã và đang dần hình thành môi trường thể chế tương đối thuận lợi để ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) có khả năng khai thác, chuyển hoá hiệu quả, góp phần thúc đẩy Hà Nội sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô - ảnh 1
  Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong           Ảnh: P.V

Nhân dịp Tết Quý Mão, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô về một số kết quả bước đầu và giải pháp phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô.

Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Quán triệt tinh thần trên, xin đồng chí Phó Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội đã triển khai việc phát triển CNVH như thế nào?

Hà Nội đã và đang nỗ lực từng bước gắn quá trình phát triển CNVH với phát huy sức mạnh mềm của Thủ đô góp phần làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách của người Tràng An - Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra nhằm phát triển, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ.

Với bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, thời gian qua Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển văn hóa nói chung và CNVH nói riêng. 

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 12/8/2022 về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 2/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; bên cạnh đó, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, ngày 4/8/2022 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025.

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bước đầu đã có những bước chuyển biến, tác động tích cực trên toàn Thành phố; từ vấn đề nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các nghành CNVH cho đến việc chuyển hóa thành hành động của Thành phố tới các địa phương thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch,…

Đặc biệt, trong thời gian qua Thành phố đã khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH, dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thông qua các chuỗi hoạt động như tổ chức các hội thảo trong nước, Thành phố với chủ đề về phát triển CNVH.

Các tổ chức như: UNESCO, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia, các chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, đại sứ quán các nước Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển,... có nhiều tư vấn giúp Thành phố nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển CNVH trong đời sống xã hội cũng như những lợi ích về kinh tế từ các ngành CNVH. 

Từ đó, góp phần huy động, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa Thủ đô nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế. 

Từ tư duy cho đến việc triển khai hành động, có thể thấy Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành một nghị quyết về phát triển CNVH, đồng chí nhận định ra sao về những tiềm năng hay lợi thế để Hà Nội có thể phát triển được các ngành CNVH?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết về CNVH. Điều đó cho thấy quyết tâm của Thành phố trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm trong việc chuyển hóa các nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Bảo tàng Hà Nội. Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu. 

Bên cạnh đó, Hà Nội có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đây là những “dư địa”, những tài sản vô giá để Hà Nội tiếp thêm sức sáng tạo để phát triển ngành CNVH, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến đến bạn bè quốc tế. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Hà Nội cũng gặp không ít thách thức trong quá trình phát triển ngành CNVH, hình thành sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô. Thách thức từ sự tăng trưởng kinh tế không ổn định và quá trình đô thị hóa nhanh cũng như sự gia tăng dân số cơ học quá cao đã và đang gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, quy hoạch kiến trúc đô thị, ô nhiễm môi trường. Thách thức trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế văn hóa; rồi thách thức về bối cảnh kinh tế số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt là thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, trong bối cảnh nguồn lực dành cho văn hóa, cơ chế, khuyến khích đầu tư cho văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với vai trò và vị thế văn hóa của Thủ đô.

 
Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. CNVH là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Nghị quyết 09-NQ/TU cho thấy tầm quan trọng của ngành CNVH đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới, xin đồng chí cho biết Hà Nội đã triển khai những hoạt động gì để hiện thực hóa quyết tâm của Thành phố?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, kiên trì triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU tạo nên những chuyển động tích cực, rõ nét trên toàn Thành phố. Mới đây nhất, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 với quy mô lớn chưa từng có cả về không gian, thời gian, số lượng sự kiện, hoạt động và lực lượng tham gia tổ chức, trải nghiệm…, để lại dấu ấn sâu đậm, khó phai trong lòng công chúng Thủ đô và đông đảo khách tham quan trong, ngoài nước. 

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Thủ đô - ảnh 2

Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các ngành công nghiệp sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như đẩy mạnh kết nối, mở rộng hợp tác, kinh doanh giữa các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 cũng là hoạt động khép lại một năm đầy ắp các sự kiện, hoạt động nhằm triển khai, thực hiện các cam kết của Hà Nội với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo; xây dựng Chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; thiết lập Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ…

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trong đó có gói đầu tư 14.029 tỷ đồng cho tu bổ, tôn tạo 579 di tích trên địa bàn.

Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm nào để phát triển CNVH, từ đó định vị được thương hiệu văn hóa của Thủ đô?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Quan điểm phát triển CNVH của Hà Nội là theo hướng hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc Thủ đô; tăng cường hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và trở thành “Thành phố sáng tạo” góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển; quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. 

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển CNVH; hoàn thiện cơ cấu ngành CNVH, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố; đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch...

Đồng thời bổ sung quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương đảm bảo thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển CNVH Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống...

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình CNVH. Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai phát triển CNVH góp phần xây dựng sức mạnh mềm của văn hóa Thủ đô, người dân Thủ đô nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng cần làm gì để khơi dậy tiềm năng, phát triển CNVH Thủ đô?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Văn hóa và sáng tạo luôn là nền tảng góp phần phát triển con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội như: Phụ nữ, thanh niên, trẻ em, khuyết tật, dân tộc thiểu số…

Và trong đó vai trò của phụ nữ vẫn luôn được Thành phố đánh giá là một lực lượng quan trọng, nguồn nhân lực sáng tạo đặc biệt, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tiếp nhận những giá trị văn hóa hiện đại để tham gia sâu rộng vào nhiệm vụ phát triển CNVH Thủ đô. 

 Chúng ta hoàn toàn tự hào về những thành quả đạt được sau một năm đầy khó khăn, thử thách và tự tin hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm Quý Mão 2023 với quyết tâm khơi dậy các nguồn lực để phát triển các ngành CNVH góp phần phát huy sức mạnh nền văn hóa đưa Hà Nội phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Đây là mục tiêu không dễ, nhưng bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, còn có sự đồng hành, chia sẻ bằng tình yêu và trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân Hà Nội trong đó có sự hiện diện và vai trò to lớn của phụ nữ Thủ đô tôi tin tưởng chúng ta sẽ làm được. 

Thời gian tới, phát huy truyền thống đoàn kết cùng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó trước khó khăn, thử thách trong năm 2022, mong rằng các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục cống hiến, đầu tư nghiên cứu, tích cực sáng tạo đạt nhiều kết quả cao trên mọi lĩnh vực.

Các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô cần tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đặc biệt là quan điểm phát triển các ngành CNVH được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TU; đồng thời, chủ động, linh hoạt triển khai các kế hoạch của thành phố, Hội Phụ nữ Thành phố.

Đặc biệt, phát huy tốt vai trò nòng cốt về xây dựng các giá trị văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan tiến bộ, văn minh, hạnh phúc góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.

Nhân dịp này, xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến phụ nữ Thủ đô đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Xin gửi tới toàn thể các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc, năm mới thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Kính chúc đồng chí và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công! 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

(PNTĐ) -Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô gồm: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024; Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố.