Phụ nữ Hà Nội góp phần vào thắng lợi tiếp quản Thủ đô

Hoàng Phương - Ảnh: Ngọc Thắng
Chia sẻ

(PNTĐ) - 9 năm kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ lâu dài, gian khổ, phụ nữ Hà Nội đã chịu đựng hy sinh vô bờ bến, sát cánh cùng quân dân Thủ đô chiến đấu chống giặc trên tất cả mặt trận từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa. Cả Hà Nội là chiến trường và chị em là những chiến sĩ, những anh hùng vô danh của Hà Nội đau thương mà anh dũng, kiên cường đánh địch cho đến ngày giải phóng, tiếp quản Thủ đô.

Phụ nữ Hà Nội góp phần vào thắng lợi tiếp quản Thủ đô - ảnh 1
Phụ nữ Thủ đô tham gia tái hiện lại hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Hòa bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở Pháp và các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội Pháp phải rút quân về phía Nam. Quân đội Việt Nam tiếp quản các thành phố lớn ở miền Bắc được giải phóng. Theo quy định của Hiệp định, Hà Nội còn nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Lợi dụng thời gian đó, Pháp - Mỹ âm mưu phá hoại ta về mọi mặt. Chúng định biến Hà Nội thành một thành phố hỗn loạn gây khó khăn cho Chính phủ ta lúc tiếp quản. 

Thi hành chỉ thị của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ tiếp quản do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư, đoàn phụ nữ động viên chị em góp sức cùng toàn dân đấu tranh đòi thực dân Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh bảo vệ Thành phố và tiếp quản Thành phố thắng lợi.

Qua phong trào đấu tránh chống thuế, chống bắt lính, hội viên phụ nữ được rèn luyện bồi dưỡng trưởng thành và phát triển thêm. Một số được kết nạp vào Đảng, có 5 chi bộ hoàn toàn là nữ đảng viên. Số nữ cán bộ ở Hà Nội và các đoàn thể có tới hàng trăm, trong đó có 4 trong số 5 đồng chí Ban cán sự phụ nữ đã vào nội thành từ năm 1952. Được rèn luyện trong đấu tranh, đến gần tiếp quản, cán bộ trung kiên được cử ra vùng tự do học chính sách tiếp quản Thành phố. Nữ đảng viên ở 5 chi bộ Đảng làm nòng cốt trong việc thi hành mọi công tác. Tổ chức phụ nữ tương đối vững vàng, song tỷ lệ cán bộ nữ còn rất thấp so với số lượng quần chúng phụ nữ trong thành phố. 

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, phụ nữ Hà Nội đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình cùng cả dân tộc làm nên những kỳ tích vĩ đại; giành chính quyền về tay công nông; đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới thu được nhiều thành tích đáng tự hào.

Chuẩn bị cho tiếp quản, đoàn thể phụ nữ rất coi trọng công tác tuyên truyền. Lúc này mặc dầu Hiệp định đã được ký kết, nhưng chính quyền, quân đội của thực dân Pháp vẫn kiểm soát nên mọi hoạt động của ta cũng vẫn khó khăn. Kết hợp với cán bộ các ngành, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, cán bộ phụ nữ tham gia đội tuyên truyền xung phong đi sâu đi sát giải thích nội dung Hiệp định, tám chính sách tiếp quản của Chính phủ. Đoàn thể phụ nữ còn huy động chị em đi phá các cuộc mít tinh, biếu tình do địch tổ chức. 

Để đề phòng nạn trộm cắp lưu manh, lính tráng đi hoành hành gây tình trạng hỗn loạn làm ảnh hưởng đến đời sống chị em, Hội Phụ nữ hướng dẫn chị em tham gia phong trào bảo vệ trị an, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân. Ở các khu xóm lao động, khi có động, chị em đánh kẻng báo hiệu cho người xung quanh đến cứu. Ở các chợ, chị em chia nhau gác đêm trông coi hàng hóa. Chợ Đồng Xuân lập một đội tuần tra. Nhờ có phong trào tự quản, tự vệ đã hạn chế rất nhiều sự nhũng nhiễu của bọn trộm cướp, bảo vệ an toàn cho chị em. Ở các nhà máy, xí nghiệp, nhà thương, trường học, chị em tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt chống phá hoại của địch. Chị em Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Điện Bờ Hồ, nhà Ga, Nhà máy Bia đấu tranh gặp chủ Pháp đòi không được di chuyển máy móc thiết bị, đòi phải có than dự trữ để nhà máy tiếp tục hoạt động, cho công nhân có việc làm, giữ sinh hoạt bình thường.

Phụ nữ Hà Nội góp phần vào thắng lợi tiếp quản Thủ đô - ảnh 2
Phụ nữ Thủ đô tham gia tái hiện lại hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

 Chị em hộ lý, y tá ở các Nhà thương Bạch Mai, Phủ Doãn, Nhà thương Mắt cất giấu, chuyển ra ngoài những phương tiện, dụng cụ, tài liệu học và thuốc quý hiếm. Chị em công chức, nữ sinh Trường Dược đến làm việc, thực tập, phân công nhau theo dõi không cho địch phá hoại của nhà trường, giữ được hoạt động bình thường chờ đến khi tiếp quản. Giáo viên và nữ sinh các trường trung học đòi khai giảng năm học mới vào đúng tháng 9.

 Hầu khắp các xã ngoại thành cũng dấy lên phong trào thuyết phục, đấu tranh chống địch và bảo vệ tài sản để trao lại cho ta. Cán bộ phụ nữ quận Quỳnh Lôi thuyết phục tên chủ sự Chánh văn phòng chính quyền không di cư, giữ nguyên vẹn hồ sơ, máy truyền thanh, máy chữ, tủ thuốc để trao lại cho chính quyền ta. Chị em các làng cạnh sân bay Gia Lâm gom nhặt nguyên vật liệu mà lính Pháp để lại đem nộp cho bộ đội. Ở Mễ Trì, Nhật Tân, Quảng Bá, nhân dân kéo ra giằng giật với địch khi chúng đánh cắp tài sản mang đi. Có những chị rất dũng cảm, cản xe tăng, bất chấp súng đạn của địch uy hiếp. 

Ở Phú Gia, Khuyến Lương, Vạn Phúc, nhân dân đòi chính quyền địch phải cung cấp các phương tiện hộ đê để bà con đắp lại những đoạn đê xung yếu. Sang tháng 9/1954, địch bắt đầu rút bỏ những đồn bốt Đồng Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn... nam, nữ dân quân giám sát những đồn còn lại và cảnh giác đề phòng địch tráo trở. 

Phụ nữ Hà Nội cũng đã tích cực chống âm mưu cưỡng ép di cư. Không những vận động đồng bào ở Hà Nội mà chị em còn đến những nơi tập trung đồng bào Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định lên... Sau khi giải thích âm mưu của địch, chị em bố trí cho số thanh niên thuộc diện bị cưỡng ép di cư trốn ra vùng tự do. Qua quan hệ họ hàng, bạn bè, chị em đến các gia đình trí thức, viên chức cao cấp, sĩ quan vận động họ không đi Nam. Chị em vận động nhà buôn, chủ xí nghiệp cất giấu hàng hóa, máy móc tạm lánh để sau khi trở lại kinh doanh sẽ được chính quyền cách mạng bảo đảm. Chị em cơ sở buôn bán ôtô đã cho cán bộ sử dụng xe, đưa một số trí thức, binh lính kèm vũ khí ra vùng tự do. Đối với số đồng bào các tỉnh ở lại không đi di cư, chị em đề xuất với các cán bộ có trách nhiệm tổ chức nơi ăn ở tạm thời và giúp đỡ phương tiện đưa họ trở về địa phương. Chị em giáo viên đòi chính quyền tổ chức khai giảng đúng thời gian…

Thi hành chỉ thị của Đảng ủy tiếp quản, đoàn thể phụ nữ tham gia tổ chức ngày tiếp quản Thủ đô và ổn định đời sống nhân dân thành phố. Sắp đến ngày tiếp quản, chị em chuẩn bị khẩu hiệu, biểu ngữ, tổng vệ sinh sạch đẹp đường phố; tham gia canh gác đường phố, cảnh giác với hoạt động phá hoại của địch. Đêm mồng 8/10, chị em không ngủ, may hàng nghìn lá cờ chuẩn bị đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Sáng ngày 9/10, ta tiếp quản 4 quận ngoại thành: Quảng Bá, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi, Cầu Giấy và Đại lý Hoàn Long. Ở nội thành, ta tiếp thu các khu vực theo lối "cuốn chiếu" địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. 

15 giờ 30 phút chiều 9/10, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, Thành phố sạch bóng thù. Sáng ngày 10/10, trong không khí vô cùng hân hoan, phấn khởi, chị em nội, ngoại thành cùng nhân dân hàng ngũ chỉnh tề đứng chật trên những hè phố hai bên đường phố rực rỡ cờ hoa đón mừng Uỷ ban quân chính và bộ đội vào tiếp quản Thành phố. Từ đây, Thủ đô được giải phóng bước vào thời kỳ mới: Cải tạo và xây dựng, bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa; đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội chợ Đặc sản vùng miền ​Việt Nam 2024 sẽ khai mạc tại Hà Nội tối nay 21/11

Hội chợ Đặc sản vùng miền ​Việt Nam 2024 sẽ khai mạc tại Hà Nội tối nay 21/11

(PNTĐ) - Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 sẽ khai mạc tại Hà Nội tối nay 21/11. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm tại Thủ đô Hà Nội và là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm đặc sản tiêu biểu. Hội chợ cũng nhằm thực hiện các chương trình hợp tác của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".
Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng Mười lịch sử, với chuỗi các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) mà dư âm, ký ức hào hùng về một Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trái tim, biểu tượng của lịch sử, văn hóa và phát triển của đất nước Việt Nam vẫn còn đong đầy trong tâm trí người Hà Nội, nhân dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Hà Nội.