Phụ nữ Thủ đô có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 27/6, tại quận Tây Hồ, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”, với sự tham gia của Hội LHPN 15 quận huyện, đại diện các nghệ nhân, làng nghề truyền thống…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, là mảnh đất trăm nghề, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ Thủ đô có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống - ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội thảo.

Hiện, toàn thành phố có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Thành phố hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Mỗi làng nghề, phố nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn được các giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của các sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nghề truyền thống trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố về phát triển làng nghề, hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống, tạo việc làm cho phụ nữ và gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững…

Phụ nữ Thủ đô có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống - ảnh 2
Quang cảnh buổi hội thảo.

Thành hội đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tôn vinh 10 nữ nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, hiện đang trình UBND thành phố tặng Bằng khen cho 8 nữ nghệ nhân đề nghị tôn vinh năm 2024. Trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề thì có 1/13 nữ nghệ nhân Nhân dân, 5/42 nữ nghệ nhân Ưu tú, 50/290 nữ nghệ nhân Hà Nội.

Tuy nhiên việc tham gia bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tổ chức Hội và phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. “Hội thảo hôm nay được tổ chức với với mục đích phân tích, đánh giá, nhìn nhận khách quan về vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống; nâng cao nhận thức của tổ chức Hội và phụ nữ về bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, trong đó quan tâm đến các giải pháp phát triển mô hình phát triển kinh tế tập thể tại khu vực làng nghề góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – đồng chí Phạm Thị Thanh Hương cho hay.

Chia sẻ về các làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ cũng như các chính sách, sự hỗ trợ của Quận nhằm phát triển nghề truyền thống, tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Lê Hoàng – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cũng bày tỏ: Quận Tây Hồ rất mong được lắng nghe các ý kiến đóng góp chung cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị sản phầm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, quận Tây Hồ nói riêng; đồng thời học hỏi thêm nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của các đơn vị bạn để tổ chức, triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn quận.

Phụ nữ Thủ đô có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống - ảnh 3
Đồng chí Nguyễn Lê Hoàng – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ phát biểu tại hội thảo.

Bởi từ thực tiễn quá trình giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn quận Tây Hồ, cho thấy, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn Quận, đặc biệt là sự đóng góp, tham gia tích cực của các cấp hội, hội viên Hội Phụ nữ trên địa bàn Quận trong việc duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống và quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe trao đổi của 4 chuyên gia với nhiều chủ đề như: Một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; Cơ hội và những thách thức đối với phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng chí Phạm Thị Tố Oanh - Trưởng ban Chính sách và phát triển Hợp tác xã Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Thông tin về chủ trương của thành phố về phát triển làng nghề; Giải pháp bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội…

Bên cạnh đó, Hội LHPN quận, huyện và cơ sở hội, đại diện các mô hình cũng có tham luận, chia sẻ kinh nghiệm và nhiều kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khẳng định phụ nữ không chỉ có tay nghề khéo léo, mà còn nhờ khả năng giao tiếp và giới thiệu nghề đã đưa nhiều sản phẩm thủ công tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước; từ đó nâng cao giá trị kinh tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu.

Các đại biểu cũng đề xuất chính quyền địa phương có thêm cơ chế, chính sách và khóa đào tạo; đồng thời có sự kết nối, hình thành mạng lưới để các làng nghề cùng nhau hỗ trợ, phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Phụ nữ Thủ đô có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống - ảnh 4
Trong buổi sáng 27/6, các đại biểu đã tới thăm quan cơ sở sản xuất kinh doanh trà sen Hiền Xiêm (tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Kết luận tại hội thảo, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương đánh giá các ý kiến trao đổi tại tham luận đều rất tâm huyết, trách nhiệm, xoay quanh đúng chủ đề. Qua đó, vừa giúp đánh giá, nhìn nhận lại vai trò của phụ nữ, đồng thời chia sẻ được nhiều kinh nghiệm quý, giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức đang đặt ra trong phát triển nghề truyền thống. 

Từ những chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, nghệ nhân, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương cũng đề nghị lãnh đạo Hội LHPN 15 đơn vị quận, huyện tham gia hội thảo nói riêng, Hội LHPN Thành phố các cấp nói chung cần tiếp tục tuyên truyền tới hội viên vai trò của phụ nữ trong bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống; truyền thông về sự cần thiết thúc đấy tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này.

Đặc biệt quan tâm tuyên truyền nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu, đam mê, sức sáng tạo của hội viên phụ nữ với nghề truyền thống; tuyên truyền cơ hội về phát triển nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập.

Bên cạnh đó, Hội LHPN từ cấp cơ sở cũng cần có sự đồng hành xuyên suốt hơn với quá trình phát triển các sản phẩm, mô hình, làng nghề; hỗ trợ xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, tài nguyên giữa các làng nghề; kết nối các nữ nghệ nhân để có môi trường giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau... 

 Phối hợp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các nữ nghệ nhân có nhiều đóng góp trong phát triển nghề truyền thống tại các địa phương. Đặc biệt, mong lãnh đạo các địa phương tiếp tục ủng hộ, đồng thành để nữ nghệ nhân, làng nghề có thêm nhiều cơ hội, triển vọng phát triển...

Tin cùng chuyên mục

Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024

Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024

(PNTĐ) - Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, ngày 29/6, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó có các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024

(PNTĐ) - Sáng 29/6, tại kỳ họp thứ 7, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó cho phép luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.