Quốc hội biểu quyết thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6%

Chia sẻ

(PNTĐ) – Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 với 89,21% đại biểu nhấn nút tán thành. Trong đó, Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2021, GDP tăng khoảng 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

Quang cảnh hội trường Quốc hộiQuang cảnh hội trường Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Nghị quyết nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.

Mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Đồng thời, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Nghị quyết yêu cầu, tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Quốc hội yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường.

Tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học, công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chuẩn bị các điều kiện triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Các chỉ tiêu chủ yếu:

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.

2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

7. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.

8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tối 5/5, cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại 5 điểm cầu

Tối 5/5, cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại 5 điểm cầu

(PNTĐ) - Tối ngày 5/5, tại TP Điện Biên Phủ, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng", kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TPHCM. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự sự kiện tại điểm cầu TPHCM. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thủ đô Hà Nội) là 1 trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

(PNTĐ) - Chiều 4/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.