Sáng ngời những tấm gương thương binh, thanh niên xung phong
(PNTĐ) - Cuộc chiến hào hùng giành độc lập cho dân tộc, Tổ quốc Việt Nam đã qua đi, những người chiến sĩ năm xưa nay trở về đời thường mang trên mình những thương tật, di chứng trên cơ thể nhưng vẫn miệt mài hăng say lao động, gương mẫu trong nuôi dạy con cháu, xây dựng gia đình hạnh phúc và góp phần xây dựng cho Thủ đô văn minh, hiện đại.
Thương binh Nguyễn Lê Việt - mẫu mực trong gia đình, nhiệt tình với các hoạt động ở địa phương
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông thương binh Nguyễn Lê Việt là một dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt sáng, miệng luôn tươi cười đôn hậu. Ông Việt sinh năm 1950, hiện sinh sống tại số nhà 5, ngõ 12/61 phường Nhân Chính. Ông là cựu chiến sĩ tham gia chiến đấu thuộc đơn vị C4- D2- E38- F381 thuộc Bộ Tư Lệnh Pháo Binh. Ông Việt hiện là thương binh loại 4 khi một bên tai của ông sau quá trình tham gia chiến đấu đã mất đi khả năng nghe vĩnh viễn.
Nhập ngũ vào năm 1971 khi mới 21 tuổi và đang là sinh viên năm ba Đại học Bách Khoa, ông Nguyễn Lê Việt cùng những người bạn sinh viên đồng trang lứa thời ấy mang một tinh thần trẻ nhiệt huyết quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc. Những ký ức chiến trường ngày ấy đọng lại rõ ràng trong tâm trí ông thông qua hai từ “ác liệt”.
Ông Việt có dáng người sinh viên nhỏ bé nặng chỉ khoảng khoảng 40 ki-lô-gam thời ấy đã phải kinh qua nhiều lửa đạn, bom mìn.
“Điều ám ảnh nhất là có lần chúng tôi (những chiến sĩ) đã uống phải nước người chết. Bởi khi hành quân khát nước, thấy sông thì đến uống nước, uống xong rồi mới thấy xác giặc bồng bềnh ngay đó.”-ông Việt chia sẻ.
Trong cuộc chiến, chúng tôi từng vật lộn với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đấu tranh ác liệt khi ngày đêm máy bay Mỹ tấn công, lùng sục nhưng chẳng hề sợ hãi mà luôn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trên chiến trường, vào sinh ra tử gần 3 năm, đến năm 1974 ông Việt xuất ngũ vì bị thương do sức khỏe yếu.
Trở về với quê hương, cùng với việc bị mất khả năng nghe 1 bên tai, ông Việt còn mang trên mình nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thứ chất độc ấy ngấm vào cơ thể một cách thầm lặng khi ông cùng các đồng đội sinh sống trên chiến trường. Thế nhưng may mắn là con, cháu của ông vẫn khỏe mạnh lành lặn, đối với ông Việt đây là điều an ủi và may mắn nhất.
5 năm sau khi xuất ngũ, cuối năm 1979, ông Việt lập gia đình với bà Trần Thị Lánh. Bà Lánh có khuôn mặt phúc hậu và dáng người nhỏ nhắn, là người luôn bên cạnh động viên và hỗ trợ ông trong cuộc sống. Hai vợ chồng sống với nhau hòa thuận suốt 45 năm, có hai người con - một trai, một gái và bốn đứa cháu.
Không chỉ gương mẫu trong công việc, ông Việt còn là tấm gương sáng trong gia đình. Ông luôn dạy bảo con cháu về tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng nhân ái. Ông luôn khuyên bảo con cháu phải học hành chăm chỉ, sống trung thực và biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Tiếp nối tinh thần hiếu học từ cha, hai anh chị cũng phấn đấu học hành. Con trai ông bà tốt nghiệp trường Đại học Thương Mại, còn con gái đi du học tại Trung Quốc. Cả hai anh chị hiện đều có gia đình nhỏ của riêng và công việc tốt.
Ông Việt chia sẻ, ngay khi trở về miền Bắc, ông quyết định hoàn thành chương trình học còn đang dang dở của mình rồi vừa học vừa làm việc cho Công ty cổ phần sơn Tổng hợp Hà Nội. Dù thuộc diện thương binh và bị nhiễm chất độc màu da cam, ông vẫn nỗ lực đóng góp sức lao động của mình dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông tham gia hoạt động ở vai trò thành viên Hội đồng quản trị và nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ vào năm 2011.
Người thương binh Nguyễn Lê Việt cho rằng: “Còn sức khỏe thì còn lao động để đóng góp gia đình, cho địa phương, cho quê hương”.
Bởi vậy, khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến trong các hoạt động của các hội, đoàn thể tại địa phương. Ông Việt tham gia Công tác Mặt trận tại địa phương (phường Nhân Chính), là Trưởng ban công tác Mặt trận 1 nhiệm kỳ và sau đó là Bí thư chi bộ 3 nhiệm kỳ tính đến nay.
Dù cơ thể còn mang thương tật nhưng ông Việt vẫn kiên trì với mọi công việc.
Mỗi sáng, ông dậy sớm từ 5 giờ để bắt đầu ngày mới với bài tập thể dục nhẹ nhàng nhằm duy trì sức khỏe. Sau đó, ông dành thời gian đọc báo, cập nhật tin tức từ tivi và chuẩn bị cho các công việc. Những ngày họp mặt tại phường, ông không quản ngại khó khăn, đều đặn đến tham dự, đóng góp ý kiến và đề xuất các phương án cải thiện đời sống cộng đồng.
Là một cán bộ tri thức mẫu mực, ông Việt cũng đóng góp nhiều ý kiến giúp thay đổi bộ mặt địa phương, phát triển tình cảm xóm làng. Ông Việt cho biết, tình hình trật tự, cảnh quan của địa phương cũng ngày càng được tốt đẹp thêm, tỷ lệ tệ nạn, trộm cướp cũng giảm đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên- cựu TNXP giàu nhân ái, đảm việc Hội
Trong ngôi nhà ấm cúng của cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Bích Liên, có những bằng khen, giấy khen luôn được bà nâng niu trân trọng và trưng bày trang trọng ở phòng khách. Bà giữ những bức ảnh chụp cùng các vị lãnh đạo và đồng đội cũ trong các chuyến đi công tác, hoạt động trên mọi miền đất nước, ghi dấu những chặng đường hoạt động Cách mạng đầy nhiệt huyết của mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, sinh năm 1948, quê Tiền Hải- Thái Bình, hiện đang sống tại số 8 Trịnh Hoài Đức, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Năm 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Liên hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong D89-C893 TNXP tỉnh Thái Bình, phục vụ trên mặt trận Giao thông vận tải từ Ninh Bình vào Quảng Bình, trong thời gian ác liệt ở trong trận địa trên đường Trường Sơn khói lửa.
Cô thiếu nữ năm ấy với thân hình nhỏ nhắn, nặng chỉ 35kg cùng đơn vị D89 TNXP đã có mặt tại các trọng điểm vô cùng ác liệt, nhưng với tâm hồn lãng mạn của một cô gái sinh ra từ vùng đất chèo, cô Liên ngày đó vẫn bén duyên với phong trào văn nghệ quần chúng.
Bà Liên đã trở thành một giọng hát hay trong đội văn nghệ xung kích của Ban Xây Dựng 67 và sau đó, đội văn nghệ được sáp nhập Đoàn Văn Công tiếng hát át tiếng bom của Bộ Giao thông vận tải. Bà Liên giữ chức đội phó trong Đoàn và hoạt động tích cực, năng nổ với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đồng thời, bà sáng tác thơ ca, bài chèo và ca hát biểu diễn cho mọi người thưởng thức ngay trên trận tuyến.
Với những thành tích nổi bật trong công tác, bà Liên đã được kết nạp Đảng ở tuổi 20 ngay trên tuyến lửa Quảng Bình và được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Diệt Mỹ”. Bà đã có 7 năm thanh xuân (1965-1972) với vai trò thanh niên xung phong, dốc mình cho cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc. Những năm tháng cống hiến không ngừng nghỉ đó đã hun đúc nên một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.
Với những thành tích xuất sắc của mình trong những năm tháng gắn bó nơi tuyến lửa đó, năm 1972, Nguyễn Thị Bích Liên được Trung ương Đoàn Thanh niên giới thiệu và được Văn phòng phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) tiếp nhận về công tác phục vụ tại Văn phòng cho đến ngày nghỉ chế độ.
Năm 1972, bà Liên thành lập gia đình với ông Bùi Ngọc Căn - người cùng đoàn "Tiếng hát át tiếng bom" ngay tại Trường Sơn. Tình yêu của họ nảy nở giữa những ngày tháng đầy cam go, và họ có với nhau ba người con, hai gái và một trai. Sau khi người chồng qua đời, bà Liên chuyển về sống cùng con gái.
Các con của bà đều lập gia đình và xây dựng sự nghiệp thành đạt. Bà Liên, người bà nhân ái, luôn cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội. Dưới sự dạy bảo đầy tình thương của bà, các cháu, chắt lớn khôn từng ngày, thấm nhuần những giá trị tốt đẹp của gia đình và cuộc sống. Những người con, cháu luôn đồng hành cùng bà trên chặng đường thiện nguyện, cùng bà quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện Nhi nhân dịp 1/6 và Tết cổ truyền dân tộc,…
Trở về với cuộc sống hiện tại, dù đã ngoài 70, bà Liên vẫn tích cực hoạt động trong công tác Hội, đoàn. Với tấm lòng nhân ái nồng hậu, bà luôn quan tâm đến những người cựu chiến binh, TNXP, những người bạn, đồng đội cũ, và chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.
Trong đợt dịch Covid-19, bà đã kêu gọi con cháu trong gia đình hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh cho mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hà Nội 65 triệu đồng, bệnh viện Nhi Trung ương 30 triệu đồng. Bà cũng gửi những suất quà bánh cho các cháu bé điều trị Covid và nhu yếu phẩm đến cho các gia đình thương binh, cựu TNXP trên địa bàn quận Đống Đa giữa tâm dịch.
Tâm đắc với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, sau đại dịch Covid, trở lại với cuộc sống đời thường, bà Liên vẫn tích cực hoạt động làm việc thiện đóng góp cho xã hội. Bà Liên cùng các cơ quan tổ chức “Ngày hiến máu nhân đạo” và đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ. Trong nhiều năm qua, bà vận động được 300 lượt người tự nguyện hiến máu. Riêng đợt “Hiến máu nhân đạo năm 2024” này, bà đã vận động được 88 người tình nguyện đến hiến máu, góp công sức lớn vào kết quả thu được 125 đơn vị máu cho Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Phát huy những năng khiếu sở trường ca hát từ khi còn là nữ TNXP trên chiến trường, khi về hậu phương, bà Liên vẫn nuôi dưỡng và hoạt động văn nghệ sôi nổi. Bà tiếp tục tham gia các hoạt động và làm trưởng đoàn nghệ thuật cựu TNXP TP Hà Nội nhiều năm nay. Đoàn hoạt động sôi nổi, hàng năm dàn dựng nhiều tiết mục hấp dẫn, biểu diễn hàng trăm buổi khắp nơi, nhiều sự kiện của các cấp Hội.
Nhà báo, nhà thơ Kim Quốc Hoa đã miêu tả Nguyễn Thị Bích Liên trong bài thơ “Tỏa sáng” như sau: "Dấn thân vì nghĩa trên đời/ Đem niềm vui với nụ cười trao nhau /Xưa “Hoa Lan” chốn rừng sâu/ Nay đon đả Bắc nhịp cầu tri ân!"
Những câu thơ ấy đã phần nào lột tả được chân dung một người phụ nữ dấn thân vì cộng đồng, luôn đem niềm vui và nụ cười đến cho mọi người, thật sự là tấm gương sáng thế hệ trẻ noi theo.