Tận dụng các thị trường tiềm năng, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững
(PNTĐ) - Ngày 4/3, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 2/2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giữ vững vị thế và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là điện tử, dệt may, da giày, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, xuất khẩu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản cũng đã trải qua một năm 2024 vô cùng thành công với mức ghi nhận đạt 62,5 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 18,7% so với năm 2023, đặc biệt tại một số nhóm ngành như rau quả, thủy sản, cà phê, gạo, gỗ và các sản phẩm ngành gỗ.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh một số kết quả ngành Công Thương cần phấn đấu thực hiện để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9-10%, phấn đấu tăng khoảng 12,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12%, phấn đấu tăng khoảng 14%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10%, phấn đấu tăng khoảng 12%; điện sản xuất và nhập khẩu tăng khoảng 12,5%; hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương năm 2025.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng chỉ ra những khó khăn trong năm 2025 với nhiều dự báo thách thức đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng gia tăng, các nền kinh tế lớn điều chỉnh chính sách nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền với nhiệm kỳ thứ hai đã và đang tạo ra ảnh hưởng một cách sâu sắc tới kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương việc nắm bắt tình hình, dự báo chính xác xu hướng thị trường, xây dựng giải pháp ứng phó linh hoạt và nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp thích ứng với biến động toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Hội nghị giao ban với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng để thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu mà còn mở ra cơ hội tận dụng các thị trường tiềm năng, thúc đẩy phát triển thương mại bền vững.
Đồng thời, hội nghị sẽ kịp thời phổ biến các Luật, Nghị định, Nghị quyết Quốc hội liên quan đến ngành Công Thương mới được thông qua, ban hành để các đơn vị thuộc Bộ, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt, nâng cao tinh thần chủ động, tích cực nghiên cứu, kịp thời tham mưu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ,…
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, thời gian qua, hệ thống Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đóng vai trò then chốt, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, tháo gỡ khó khăn, kết nối giao thương và thúc đẩy hợp tác thương mại, góp phần quan trọng vào duy trì và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần kế thừa, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phát huy tốt hơn nữa vai trò công tác trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, kết nối với các đối tác chiến lược và kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc để Bộ Công Thương có giải pháp phù hợp.