Tăng cường nguồn nước phục vụ chữa cháy ở các ngõ sâu, ngõ nhỏ
(PNTĐ) - Ngày 1/7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trình bày Tờ trình của UBND TP về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, UBND TP đã ban hành kế hoạch khung, thành lập Tổ soạn thảo, nhiều lần lấy ý kiến các sở ngành, các quận, huyện, thị xã, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). UBND TP đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, ý kiến thẩm tra của Ban Nội chính Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP… để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án.
Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC&CNCH.
Nhóm giải pháp thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC&CNCH, với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đối với các khu dân cư và công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Nhóm giải pháp thứ ba là xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC&CNCH; quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TP; tăng cường quân số, biên chế và tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH.
Nhóm giải pháp thứ tư là đầu tư phát triển hạ tầng PCCC&CNCH với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.
Nhóm giải pháp thứ năm, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ với 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với các lực lượng dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên ngành, lực lượng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC&CNCH.
Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên, dự thảo Đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên như tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC&CNCH của TP; nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC&CNCH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng “công nghệ số” trong công tác quản lý Nhà nước và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC&CNCH.
Lộ trình và tổ chức thực hiện, Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, UBND TP ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để phổ biến, quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện; đồng thời tập trung triển khai ngay các giải pháp cấp bách nâng cao nhận thức, ý thức về PCCC&CNCH của quần chúng Nhân dân.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, đảm bảo quy trình “4 tại chỗ”; vận động các gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh phải tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH; khắc phục những tồn tại, triển khai các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cho các công trình, cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; bổ sung các giải pháp tăng cường nguồn nước phục vụ chữa cháy ở các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các ngõ sâu, ngõ nhỏ có chiều dài hơn 200m…
Đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.
Sơ bộ khái toán kinh phí tổ chức thực hiện Đề án, kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.