Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội tại tỉnh Tiền Giang:
Thăm mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ làm chủ
(PNTĐ) -Ngày 26/7/2023, trong khuôn khổ Chương trình trao đổi kinh nghiệm công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã tới thăm công ty TNHH Đông Trùng hạ thảo Thiên Ân. Đây là mô hình phát triển kinh tế do bà Trần Thị Luôn, hội viên Chi hội Nữ doanh nhân tỉnh làm chủ.
Đông trùng hạ thảo là loại nấm dược liệu quý được nuôi cấy nhân tạo trong các loại môi trường dinh dưỡng, nếu nhập khẩu giá rất cao. Với mong ước người Việt được sử dụng nấm Đông trùng do chính người Việt sản xuất với giá thành rẻ, sau hơn 3 năm miệt mài nghiên cứu, thực nghiệm, Công ty Thiên Ân đã thành công trong việc sản xuất nấm đông trùng hạ thảo hoàn toàn từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gạo lứt, nước dừa với chất lượng về dược chất (Adenosine, Cordycepin) và dưỡng chất (các nhóm acid amin thiết yếu) ở mức cao.
Giới thiệu với Đoàn, bà Trần Thị Luôn cho biết, năm 2017, khi mới đi vào hoạt động chỉ với một ngàn mét vuông nuôi cấy đông trùng hạ thảo, sau 4 năm, công ty đã xây dựng được nhà máy khép kín rộng 10.000m2 đạt chất lượng tiêu chuẩn ISO 22000 sản xuất đa dạng các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Hiện nay công ty đang giải quyết việc làm cho 50 lao động, trong đó có 48 lao động nữ với mức lương trung bình 8 triệu đồng/ tháng; Công ty đã có 18 sản phẩm bán trên thị trường, trong đó có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ.
Ngoài ra, nữ doanh nhân Trần Thị Luôn còn quản lý điều hành cơ sở nhang Thiên Ân với trên 300 lao động, trong đó trên 90% lao động nữ. Nguồn nguyên liệu làm nhang đa phần sử dụng từ bột gỗ không hóa chất, sử dụng bột cây bời lời làm chất kết dính. Hiện nay cơ sở từng bước chuyển sang nguyên liệu từ các cây dược liệu Việt khác.
Trong chuyến thăm, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn công tác đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của công ty THNN Thiên Ân dưới sự điều hành của bà Trần Thị Luôn. Bà Thủy cho biết, cũng giống như tại Tiền Giang, Hà Nội hiện cũng có nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đang hoạt động rất thành công, tạo việc làm cho nhiều lao động cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Hiện nay, Hội LHPN Hà Nội có 1 trong 2 tổ chức thành viên là Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội; đồng thời trực tiếp quản lý CLB Doanh nhân nữ Hà Nội. Ngoài ra, Hội cũng triển khai chương trình, nhiều hoạt động phối hợp Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, được sự quan tâm của UBND Thành phố, Hội LHPN Hà Nội đã được phê duyệt triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp 2018-2025”. Vừa qua, sơ kết giai đoạn 1 của Đề án cho thấy nhiều kết quả nổi bật mà Hội LHPN Hà Nội đã đạt được trong thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp thông qua các hoạt động như kết nối tiêu thụ sản phẩm, tôn vinh sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô, tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thành lập các tổ/hợp tác xã, nhóm liên kết do phụ nữ làm chủ.
Đánh giá cao chương trình làm việc với Hội LHPN tỉnh Tiền Giang cũng như hoạt động thăm quan thực tế mô hình do hội viên phụ nữ làm chủ, trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, những kinh nghiệm, kết quả ghi nhận được sẽ giúp 2 tổ chức Hội có thêm các dữ liệu quý để triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng như phản biện, đề xuất các chính sách liên quan với chính quyền địa phương trong thời gian tới.