Thành phố Hà Nội hợp tác, hành động cải thiện chất lượng không khí

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội – Hợp tác và Hành động” nhằm công bố Kế hoạch cũng như kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan chung tay hợp tác cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội.

Thành phố Hà Nội hợp tác, hành động cải thiện chất lượng không khí - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Dự buổi lễ có 100 đại biểu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan, các Sở, ban, ngành, quận, huyện thành phố, các tổ chức phát triển, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, chuyên gia, cộng đồng liên quan.

Sự kiện được tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Winrock International quản lý thực hiện.

Bụi đến từ giao thông lớn nhất, vướng trong kiểm soát xe cơ giới

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.

Việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Thành phố Hà Nội hợp tác, hành động cải thiện chất lượng không khí - ảnh 2
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu.

Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600 ngàn ôtô, thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn Thành phố... 

“Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí”- bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Điển hình như, đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Các cấp các ngành tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh: “Với mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011 -2020 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới một thành phố xanh, khỏe mạnh và đáng sống. Đây là cam kết của thành phố về thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050”.

Với tinh thần đó, ngày 2/3/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí được phối hợp xây dựng dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các nghiên cứu khoa học, các yêu cầu phát triển của Thành phố và các kinh nghiệm thực tiễn.

Kế hoạch đã đánh giá được thực trạng về công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã đưa ra các nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến các hành động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính: giao thông, xây dựng, công nghiệp và đốt mở... 

“Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch này, cần sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng từ tất cả các bên liên quan như: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế... Chúng ta cần phải có các hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân Thủ đô.

Đồng thời, cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng những chính sách khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thân thiện môi trường. Từng bước thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, làm dầy mạng lưới quan trắc liên vùng liên tỉnh nhằm dự báo cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô”- bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh.

Thành phố Hà Nội hợp tác, hành động cải thiện chất lượng không khí - ảnh 3
Các đại biểu chia sẻ tại toạ đàm. 

Chia sẻ tại toạ đàm, TS Nguyễn Hương Quế, Ban giao thông bền vững, cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng, việc sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường. Thành phố Hà Nội đã quyết tâm với nhiều hành động cụ thể, nên mong thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, và các vấn đề chất lượng không khí thiết thực nhất. 

Kiểm định khí thải xe máy sẽ cắt giảm 35,55% tổng lượng CO 

Ông Đậu Quang Huy, đại diện Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết: Là đại diện của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam, VAMM nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính. VAMM không ngừng nghiên cứu, phát triển và cung cấp ra thị trường những sản phẩm xe máy chất lượng, đáp ứng đầy đủ những quy định, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hướng tới những sản phẩm công nghệ mới như xe dùng nhiên liệu sinh học, xe điện.

Thành phố Hà Nội hợp tác, hành động cải thiện chất lượng không khí - ảnh 4
Ông Đậu Quang Huy, đại diện Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) phát biểu.

Đối với những phương tiện đang lưu hành, VAMM luôn khuyến khích người tiêu dùng thực hiện bảo dưỡng định kỳ nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Tuy nhiên việc bảo dưỡng phương tiện chưa thực sự nhận được sự quan tâm của đa số người tiêu dùng. Xe máy sau thời gian dài hoạt động không được bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất dẫn tới suy giảm chất lượng kỹ thuật và trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Từ thực tế đó, trong giai đoạn 2018 - 2022, VAMM đã phối hợp với Viện KHCN GTVT cùng các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng triển khai Dự án Nghiên cứu kiểm tra khí thải xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểm soát khí thải xe máy là giải pháp rất hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cắt giảm CO2.

 Theo ông Đậu Quang Huy, Hà Nội nếu áp dụng kiểm định khí thải xe máy sẽ cắt giảm 35,55% tổng lượng CO phát thải và 40% tổng lượng khí HC (Hydro Carbon – còn gọi là các hợp chất hữu cơ của Hydro và carbon) phát thải. 

Việc bảo dưỡng định kỳ xe máy cũng giúp giảm 7% lượng tiêu thụ nhiên liệu qua đó giảm phát thải ra môi trường. Thời gian tới, VAMM luôn chủ động, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng Hà Nội nghiên cứu giải pháp kiểm soát, giảm thiểu 1 khí thải từ xe máy đang lưu hành cũng như triển khai thí điểm giải pháp trong tương lai.

"VAMM cũng đang chủ động phối hợp, đề nghị các Bộ TNMT, GTVT nghiên cứu đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức cao hơn cho xe mới (EU4). Các giải pháp đồng bộ này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả vấn đề khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy"- ông Huy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Đưa quan hệ hợp tác Hà Nội - Bắc Kinh thành hình mẫu trong quan hệ hợp tác địa phương Việt Nam - Trung Quốc

Đưa quan hệ hợp tác Hà Nội - Bắc Kinh thành hình mẫu trong quan hệ hợp tác địa phương Việt Nam - Trung Quốc

(PNTĐ) - Chiều ngày 16/5/2024, Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi hội kiến đồng chí Lưu Vĩ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, Hiệu trưởng Trường Đảng Thành ủy Bắc Kinh. Cùng dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHND Trung Hoa Phạm Sao Mai.
Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư

Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư

(PNTĐ) - Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Bộ Chính trị đã quyết định phân công đồng chí Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư.
Kiều bào quyên góp ủng hộ các tiểu thương bị hỏa hoạn

Kiều bào quyên góp ủng hộ các tiểu thương bị hỏa hoạn

(PNTĐ) - Sau khi vụ cháy tại xảy ra tại Trung tâm Thương mại Marywilska, cộng đồng người Việt tại Ba Lan và các nước lân cận đã chia sẻ sâu sắc, động viên kịp thời đến bà con gặp nạn. Tính đến ngày 14/5, số tiền quyên góp ủng hộ tiểu thương bị hỏa hoạn tương đương khoảng 6,5 tỷ VNĐ.