Thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm tỉnh và cấp cơ sở

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 5/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các Kết luận 126, 127, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nội vụ và ý kiến của các đại biểu, Thường vụ Đảng ủy Chính phủ thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. 

Thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm tỉnh và cấp cơ sở - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (Ảnh: Nhật Bắc)

Đảng ủy Chính phủ cũng thảo luận về các phương án dự kiến sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã.

Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh cần căn cứ trên một số tiêu chí quan trọng, đó là diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa và khả năng bổ sung, hỗ trợ cho nhau để phát triển.

Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, đề nghị các cơ quan sớm hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Trước đó, sáng 5/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị. Việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh cần đảm bảo phù hợp với tiêu chí, điều kiện thực tế, hoàn cảnh và truyền thống lịch sử - văn hóa của từng địa phương. Các cơ quan cần hoàn thiện đề án không tổ chức cấp huyện và giảm đầu mối cấp xã để mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Thủ tướng giao các cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, và giảm đầu mối cấp xã. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ cần hoàn thành việc kiện toàn tổ chức nội bộ trong tuần này.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, coi đây là "đột phá của đột phá", đồng thời đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, chuyển đổi số, và thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, đề xuất mở rộng áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù đã được Quốc hội cho phép và đã phát huy hiệu quả tại các địa phương. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính.

Thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm tỉnh và cấp cơ sở - ảnh 2
Đảng ủy Chính phủ thảo luận về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 28/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 127, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương và cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sáp nhập tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển giai đoạn mới.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư lưu ý cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, vấn đề kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo. Từ những căn cứ nêu trên, các cơ quan xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.

Đảng ủy Chính phủ phải nhanh chóng xin chủ trương Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sáp nhập tỉnh trước 9/3, hoàn thiện đề án sau khi có ý kiến, gửi xin ý kiến các bên liên quan trước 12/3, hoàn thiện đề án sau khi tiếp thu ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước 27/3 và trình Ban Chấp hành Trung ương (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước 7/4.

Tin cùng chuyên mục

An ninh, trật tự đều đạt và vượt, phục vụ đắc lực, hiệu quả nhiệm vụ phát triển, đối ngoại của Thủ đô và đất nước

An ninh, trật tự đều đạt và vượt, phục vụ đắc lực, hiệu quả nhiệm vụ phát triển, đối ngoại của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - Trong thời gian qua, lực lượng vũ trang Thủ đô đã tập trung nâng cao năng lực, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra về quốc phòng, an ninh, bảo vệ an ninh quốc gia. Trong đó, thành phố đã bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho gần 8.000 lượt kỳ cuộc diễn ra trên địa bàn Hà Nội; thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng và chỉ đạo thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.
 Phường Dịch Vọng Hậu: 20 năm xây dựng và phát triển

Phường Dịch Vọng Hậu: 20 năm xây dựng và phát triển

(PNTĐ) - Sáng 1/4/2025, Đảng ủy- UBND- UBMTTQ Việt Nam phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầy Giấy (TPHà Nội) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập phường Dịch Vọng Hậu 1/4/2005-1/4/2025 và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba. Đây là sự kiên có ý nghĩa quan trọng đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển phường.
 Lan tỏa giá trị nhân văn và tìm giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động

Lan tỏa giá trị nhân văn và tìm giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động

(PNTĐ) - Chiều 31/3/2025, Báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Lễ khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025 và Toạ đàm "Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai".