Thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Về phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ - ảnh 1
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày

Về đối tượng áp dụng: Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.

Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.

Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.

Về khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện khoán chi, trừ kinh phí chi mua tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thuê dịch vụ thuê ngoài và đoàn đi công tác nước ngoài.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.

Thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ - ảnh 2
Các đại biểu dự kỳ họp

Trên cơ sở dự toán kinh phí tại thuyết minh nhiệm vụ do tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định kinh phí ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ xác định mức kinh phí khoán đối với các nội dung chi được khoán. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Về tổ chức thực hiện: Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về việc thực hiện Nghị quyết này.

Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

 

Tin cùng chuyên mục

Những hình ảnh ấn tượng tại Festival "Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển" năm 2025

Những hình ảnh ấn tượng tại Festival "Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển" năm 2025

(PNTĐ) - Lễ Khai mạc Festival "Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển"; Liên hoan nghệ thuật "Sắc màu dân tộc" năm 2025 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP Hà Nội tổ chức vào sáng 15/3/2025 đã để lại nhiều ấn tượng đối với công chúng.
95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội: Lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước

95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội: Lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - Vừa qua, Hội thảo "95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử (17/3/1930 - 17/3/2025)" là dịp quan trọng để các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cùng các lãnh đạo, cán bộ quản lý của Hà Nội trao đổi và làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi của sự kiện 95 năm thành lập Đảng bộ Hà Nội (1930 - 2025).
Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ)- Sáng 15/3/2025, tại Vườn hoa Đền Bà Kiệu và khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với  Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP Hà Nội long trọng tổ chức Khai mạc Festival Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển - năm 2025.  Đây là hoạt động thiết thực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đồng thời là một trong những hoạt động thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023 - 2026” được UBND Thành phố phê duyệt.
Gần 1.000 vận động viên tham gia giải đi bộ “Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp” lần thứ II

Gần 1.000 vận động viên tham gia giải đi bộ “Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp” lần thứ II

(PNTĐ) - Sáng 15/3, thiết thực chào mừng kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; 60 năm phong trào Ba đảm đang; kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội, hướng tới “Ngày Thể thao Việt Nam” 27/3, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Giải đi bộ "Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp" lần thứ II năm 2025.