Đột phá theo Nghị quyết 57: Kiều bào hiến kế phát triển khoa học, công nghệ
(PNTĐ) - Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, Nghị quyết 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố mới, quyết định sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đây là nhận định chung của các kiều bào tri thức tiêu biểu. Việc ban hành Nghị quyết 57 làm nền tảng quan trọng, thúc đẩy tinh thần cống hiến, phát triển khoa học, công nghệ của các kiều bào tại quê hương.
Tiềm năng và thế mạnh thị trường Blockchain Việt Nam
Nhận định về thị trường Blockchain Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Hưng, kiều bào Anh, Đồng sáng lập Công ty Spores Network về Blockchain, Phó ban Xúc tiến đầu tư của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cựu Giám đốc Đầu tư tại Quỹ đầu tư quản lý Elliott (top 10 HF toàn cầu, London) nhấn mạnh "rất tiềm năng và có nhiều thế mạnh", nhất là nguồn nhân lực đông đảo, chi phí hợp lý hơn so với Singapore hoặc khu vực Bắc Mỹ.
Việt Nam đang ở top 10 các quốc gia có mức độ chấp nhận, quan tâm, hiểu và nói về Blockchain. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.
"Thực tế, trong lĩnh vực Blockchain, các bạn chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chủ yếu là mày mò, tự học. Tuy nhiên, nguồn nhân lực về công nghệ của chúng ta có lợi thế học hỏi nhanh nên rất tiềm năng. Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp rất nhanh tất cả những thông tin trên mặt bằng không gian số và công nghệ bởi những người kỹ sư lập trình chỉ cần chiếc máy tính, không cần nền tảng về hạ tầng như ngành công nghệ luyện kim, bán dẫn... Thế giới phẳng, kiến thức cũng rất mở cho nên đây là cơ hội rất lớn cho thị trường Blockchain của Việt Nam phát triển mạnh mẽ”, kiều bào Anh nhận định.
Với những thế mạnh đó, anh Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, Nghị quyết 57 ra đời là một bước đột phá, lấy phát triển về khoa học, công nghệ là động lực chủ chốt, là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu.
“20-30 năm qua, Việt Nam phát triển nhưng chủ yếu trên nguồn nhân lực giá rẻ. Đến thời điểm này, rõ ràng, để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, phát triển khoa học, công nghệ là tất yếu. Nhìn các nền kinh tế khác trong khu vực như Trung Quốc, họ cũng bắt đầu là một nền kinh tế với nguồn nhân lực giá rẻ. Nhưng hiện giờ, nhân lực Trung Quốc không còn rẻ nữa bởi họ đã phát triển khoa học, công nghệ mà đến nay thuộc top đầu thế giới. Nhiều công nghệ ngang tầm Mỹ, thậm chí một số công nghệ còn vượt trội hơn”, anh Nguyễn Ngọc Hưng nhận định.
Một trong những giải pháp phát triển khoa học, công nghệ mà anh Nguyễn Ngọc Hưng rất tâm đắc, đó là, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Các thủ tục liên quan đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác mới thu hút được”.
“Nguồn nhân lực rất quan trọng và đây là mấu chốt tháo gỡ các vướng mắc”, anh Nguyễn Ngọc Hưng nhận định.
Để thực hiện hiệu quả việc phát triển khoa học, công nghệ, cùng với yếu tố con người, anh Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, Chính phủ nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển và được lấy làm trọng tâm và tiên phong. Cụ thể là các cơ chế về thuế rõ ràng, pháp luật chặt chẽ và minh bạch để các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư. “Nếu có chính sách cởi mở, doanh nghiệp sẽ là lực lượng tiên phong và Nhà nước sẽ huy động được đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước”, anh Hưng nói.
Cùng với đó, kiều bào Anh cho rằng, nếu muốn đi nhanh và đón đầu, chúng ta nên tập trung các ngành mũi nhọn, tận dụng nguồn nhân lực trẻ để phát triển ngành công nghiệp phần mềm - thế mạnh của Việt Nam.
Tạo danh tính số cho văn hóa Việt
Anh Nguyễn Huy, kiều bào Mỹ, cựu quản lý cấp cao của Google, Tổng Giám đốc kiêm sáng lập Phygital Labs cho biết, anh nhận thấy, ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang có khoảng cách khá lớn với giá trị thực. Do đó, anh mong muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để gìn giữ, lan tỏa văn hóa Việt đến gần công chúng hơn. Dùng công nghệ để định danh và lan tỏa văn hóa, sản phẩm truyền thống Việt Nam, hai hạng mục chính của Phygital Labs là “Nomion - Tạo danh tính số cho mọi vật phẩm” và “Galerio - Triển lãm số”.
Phygital Labs có tầm nhìn: “Đưa công nghệ vật lý số trở thành lĩnh vực tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ, trở thành công nghệ cốt lõi trong hành trình công nghệ phục vụ đời sống thông minh và mở ra kỷ nguyên của những ngành kinh tế số thịnh vượng cùng mô hình kinh doanh đột phá”.
Tiêu biểu, dự án Tầm Chân là kết quả hợp tác giữa Phygital Labs và Trung tâm thông tin UNESCO (UNET); sử dụng các công nghệ “vật lý số” do công ty Phygital Labs phát triển nhằm lưu giữ, trưng bày, quảng bá và ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam vào cuộc sống đương đại. Trong dự án, UNET cùng mạng lưới các học giả sẽ tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống đang ít được quan tâm hoặc có nguy cơ bị mai một. Đội ngũ chuyên gia văn hóa do UNET tập hợp sẽ thực hiện các nghiên cứu về những giá trị, hiện vật được lựa chọn. Phygital Labs thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ để lưu giữ và phát huy các giá trị này.
“Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ trở được phát triển thành các sản phẩm “vật lý số”; sẽ được trao lại cho cộng đồng tiếp tục lan tỏa”, anh Nguyễn Huy cho biết.
Học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, trở về nước dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Huy cảm nhận rất rõ sự chuyển biến rất lớn không chỉ về sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn là nhận thức về khát vọng mới, khí thế mới của người dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
“Chúng ta đang ở bước ngoặt lớn và quan trọng để xây dựng giá trị của dân tộc, chứng minh năng lực con người và dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng và mong muốn, thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều người Việt Nam trên khắp thế giới trở về chung tay đóng góp xây dựng đất nước ”, anh Nguyễn Huy chia sẻ.
Anh Nguyễn Huy cho rằng, khoa học và công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Do đó, khi có sự “tiếp sức lớn” từ các nguồn lực khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là “sức bật” mãnh liệt của người Việt Nam, bao gồm nguồn lực của kiều bào về tri thức và kinh tế, đất nước sẽ có những thay đổi “đáng gờm”.
“Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố mới, quyết định sức mạnh tổng hợp quốc gia. Với Nghị quyết 57, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt mình ở vị trí của những nhà khoa học, đưa ra các giải pháp có tầm nhìn xa, song rất cụ thể, quyết liệt và đột phá. Đó là nền tảng cực kỳ quan trọng để các nhà khoa học, nhất là các kiều bào như chúng tôi, cam kết đồng hành cùng Chính phủ và người dân tạo nên các giá trị thật”, anh Nguyễn Huy chia sẻ.
Theo https://baotintuc.vn/thoi-su/dot-pha-theo-nghi-quyet-57-kieu-bao-hien-ke-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-20250202081739318.htm