Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7
(PNTĐ) - Chiều 19/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Hiroshima, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự tại sân bay có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji; Thống đốc tỉnh Hiroshima Hidehiko Yuzaki; Liên lạc viên của Thủ tướng Nhật Bản Maeda Shunsuke; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; cán bộ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng"; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Tại các phiên thảo luận, hoạt động tiếp xúc đa phương, song phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia, đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh - phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng... Thông qua đó, truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quôc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và gặp gỡ đại diện tiểu biểu cộng đồng và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023); thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đẩy manh họp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản sẽ góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Nhiều hoạt động trong chuyến làm việc của Thủ tướng tại Nhật Bản
Bên lề hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế khác.
Hoạt động đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Nhật Bản là gặp gỡ cộng đồng người Việt tại quốc gia này. Rời cuộc gặp kiều bào và trí thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chiều tối 19/5. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng với lãnh đạo nước ngoài tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản.
Người đứng đầu Chính phủ kế đó tiếp doanh nghiệp Nhật Bản, dự lễ công bố đường bay mới của Vietjet từ Hà Nội/TP.HCM đến Hiroshima.
Trước khi dự Lễ đón chính thức và tham dự các phiên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội kiến Tổng thống Liên bang Coromos Azli Assoumani; tiếp các doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON, đoàn doanh nghiệp vùng Trung Nam Nhật Bản, Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui; tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Kristalina Georgivea và tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann; gặp Thủ tướng Ấn Độ.
Trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ dự phiên thảo luận "Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng"; dự sự kiện về sáng kiến đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; dự phiên thảo luận "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có lịch trình hoạt động dày đặc trong ngày cuối cùng làm việc ở Nhật Bản, với việc tham dự phiên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của hơn 50 tổ chức kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản.
Chuyến công tác làm việc tại Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển, đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...
Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm, tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội, gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết những thách thức toàn cầu.
Sau 3 phiên thảo luận về Hợp tác xử lý đa khủng hoảng, Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững và Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ lần đầu tiên thông qua một văn kiện chung, đó là "Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường".
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng 2023 có sự tham gia của 8 quốc gia gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Úc. 6 tổ chức quốc tế gồm Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cũng được mời.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng là rất có ý nghĩa. Chuyến đi trùng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương. Đây cũng là dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lại Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.