Hội LHPN Việt Nam:

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Bài và ảnh: THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối 25/11, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức sự kiện truyền thông "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số" và Khai mạc Triển lãm "Khát vọng Phát triển" nhằm cung cấp các thông tin và kết quả bước đầu của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2021 – 2030

Sự kiện truyền thông "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số" và Khai mạc Triển lãm "Khát vọng Phát triển" nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022; đồng thời còn là hoạt động khơi dậy tinh thần trách nhiệm, vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số; khích lệ, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số tiếp tục nỗ lực vươn lên và phát triển bền vững với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 1
Các đại biểu tham quan Triển lãm “Khát vọng Phát triển” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện diễn ra đến ngày 9/12/2022

Tham dự sự kiện có các đại biểu: Bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc, Phó trưởng ban Chỉ đạo TƯ các chương trình MTQG cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể TƯ và Hà Nội, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao và một số phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu...

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 2
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết:  3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai đã tác động đa chiều, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Trong đó có Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dành riêng để tập trung "thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Hành trình khẳng định vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số là một hành trình lâu dài và bền bỉ, không ít chông gai nhưng cũng là hành trình của niềm tin, hạnh phúc, của khát vọng.

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ là những cán bộ thôn, bản, những cô giáo vùng cao, y bác sỹ, những người nông dân, nữ doanh nhân, giám đốc HTX, chủ trang trại… Ở lĩnh vực nào, chị em đều luôn nỗ lực vươn lên vượt khó, làm chủ cuộc sống. Cùng với các lực lượng phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc thiểu số luôn sáng lên niềm tin và khát vọng vào một tương lai tươi đẹp. Các chị đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, góp phần quan trọng xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.

Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực đã được phát động và thực hiện hiệu quả như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội... 

Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh: Là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án thành phần số 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban Điều hành Dự án cấp Trung ương; chủ động xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án; tổ chức tập huấn, hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh trong tham mưu xây dựng kế hoạch; kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án. Hội LHN Việt Nam xin cam kết sẽ luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em trong hành trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TƯ Hội LHPN Việt Nam trong việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các địa phương và triển khai các hoạt động cụ thể theo yêu cầu của Chương trình. Dự án 8 đã được TW Hội LHPN Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 4
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc, Phó trưởng ban Chỉ đạo TƯ các chương trình MTQG phát biểu tại sự kiện

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc, Phó trưởng ban Chỉ đạo TƯ các chương trình MTQG dịp này cũng đã đề nghị TƯ Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 8; chủ động theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong quá trình triển khai Dự án; chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp phối hợp với các bộ, ngành TƯ thực hiện tốt các hoạt động để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án, đồng thời lồng ghép giới vào các Dự án, Tiểu Dự án do bộ, ngành chủ trì; phối hợp nguồn lực giữa các Dự án trong Chương trình DTTS và MN và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 

Tại chương trình đã diễn ra buổi Tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ” là những câu chuyện về hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của 5 diễn giả-những gương phụ nữ DTTS điển hình, đại diện cho các chị em dân tộc thiểu số Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới, và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức; lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng; góp phần dựng xây quê hương, đất nước…

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 5
Các đại biểu tham gia tọa đàm
Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 6
Các đại biểu gạt cần khai mạc Triển lãm "Khát vọng Phát triển"
Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 7
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng các đại biểu trao đổi với các chị em phụ nữ dân tộc trực tiếp tham gia tại triển lãm "Khát vọng Phát triển"

Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm “Khát vọng Phát triển” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện và được trưng bày tới ngày 09/12/2022 với 3 chủ đề: “Rào cản cuộc sống”; “Sự thay đổi và điều mong đợi”; “Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn” cùng những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, về những vấn đề xã hội như: tảo hôn; tục “nối dây”, gánh nặng kép trong gia đình mẫu hệ…  

Triển lãm sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân. Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng - 4 trong 51 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS&MN triển khai các mô hình của Dự án 8. 

Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 8
Các đại biểu Hội LHPN Việt Nam tham quan triển lãm
Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - ảnh 9
Các đại biểu dành nhiều sự quan tâm tới những hình ảnh chân thật tại triển lãm
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. 

Một số kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Dự án 8: Tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Dự án 8 tới các bộ, ngành và địa phương, với sự tham gia của khoảng 700 đại biểu; Tổ chức các lớp tập huấn TOT hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động thực hiện của dự án tới 51 tỉnh, thành địa bàn Dự án, với 13 lớp tập huấn, cho khoảng hơn 700 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN tỉnh, các Sở, ngành liên quan tham dự; Xây dựng khoảng 2.200 áp phích tuyên truyền và 10 chương trình sitcom, phát trên truyền hình và chuyên trang điện tử... 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.