55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024)

Thực hiện lời Bác dạy, xây dựng quê hương anh hùng giàu đẹp

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã vinh dự được Bác Hồ 3 lần về thăm. Nhận được sự quan tâm đó, 55 năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa đã cùng nhau thực hiện Di chúc của Bác, xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp hơn.

Thực hiện lời Bác dạy, xây dựng quê hương anh hùng giàu đẹp - ảnh 1
Lãnh đạo xã Trầm Lộng giới thiệu với tác giả về chiếc chuông cổ tại chùa Chòng.

Dấu tích khắc ghi
Ngày 7/6/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với Đại hội sản xuất vụ mùa của tỉnh Hà Đông và Đại hội đoàn kết chống hạn 2 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tiếp đó, ngày 30/1/1963, Bác Hồ về Ứng Hòa để xem xét tình hình chống hạn của tỉnh Hà Đông và về xã Quảng Phú Cầu thăm công nhân đang bơm nước chống hạn. Lần thứ ba, ngày 20/4/1963, Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình. Từ sau ngày Bác về thăm, Bệnh xá Vân Đình được gọi là Nhà thương Vân Đình và nay là Bệnh viện đa khoa Vân Đình.

Ôn lại lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, ngay từ năm 1934, huyện Ứng Hòa đã có những Đảng viên đầu tiên. Đến tháng 2/1938, chi bộ đầu tiên của huyện được ra đời - Chi bộ Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng phía Nam tỉnh Hà Đông. Đến năm 1942, các xã phía Nam huyện Ứng Hòa trở thành An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ. 

Từ năm 1946-1950, Khu Cháy là "bàn đạp" cho các hoạt động cách mạng từ vùng tự do vào vùng bị địch tạm chiếm, nơi nuôi giấu cán bộ cao cấp của Đảng, cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đầu năm 1951, thực hiện âm mưu biến Khu Cháy thành “Khu trắng”, với chính sách “tam quang”: Đốt sạch - phá sạch - giết sạch, hằng ngày địch cho quân từ 4 phía tiến công vào trung tâm Khu Cháy hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, tiêu diệt ý chí chiến đấu của nhân dân ta.

Huyện Ứng Hoà đang có số lượng di tích lịch sử, di tích văn hóa cách mạng đứng thứ hai thành phố, với 433 di tích, trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp Thành phố. Để phát huy những giá trị lịch sử gắn với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ứng Hoà đang xây dựng 2 tuyến du lịch mũi nhọn để thu hút du khách về các điểm di tích và các làng nghề truyền thống. 

Trong giai đoạn này, trung bình một người dân Khu Cháy phải chịu 2 quả bom và 203 quả đại bác; 111 ngôi làng, 105 đình chùa, nhà thờ bị tàn phá; 8.532 tấn thóc bị đốt và tiêu hủy; hơn 10 ngàn héc ta ruộng đất bị hoang hóa… Qua nhiều trận càn quét của địch, mỗi tấc đất trên quê hương Khu Cháy thấm đẫm bao chiến công oanh liệt và xương máu của nhân dân, các anh hùng liệt sĩ, để đến ngày 25/7/1954, huyện Ứng Hòa hoàn toàn giải phóng.

Ghi nhớ công lao của quân dân Khu Cháy, năm 1984, Nhà nước đã cho xây dựng Tượng đài Khu Cháy tại xã Đồng Tân, trung tâm của Khu Cháy. Năm 2004, Nhà nước đã cho xây dựng Bảo tàng Khu Cháy tại xã Đồng Tân, trung tâm của Khu Cháy, huyện Ứng Hòa, là nơi trưng bày các hiện vật, tái hiện thời kỳ đấu tranh kiên cường của quân, dân Khu Cháy anh hùng và của nhân dân các huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Thực hiện lời Bác dạy, xây dựng quê hương anh hùng giàu đẹp - ảnh 2
Lãnh đạo xã Đồng Tân giới thiệu về lịch sử cách mạng của địa phương tại Bảo tàng Khu Cháy 

Cùng PV Báo Phụ nữ Thủ đô đứng trước Tượng đài Khu cháy, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tân Nguyễn Đôn Sỹ chia sẻ: “Nơi đây khắc ghi những chiến công oanh liệt của quân và dân Ứng Hòa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm tháng lịch sử hào hùng, cán bộ và nhân dân Khu Cháy đã luôn kiên cường, anh dũng chống lại mọi trận càn quét của địch. Đặc biệt, ngày 18/6/1951, giặc Pháp huy động 10 tiểu đoàn với 200 xe cơ giới, có máy bay và tàu chiến yểm trợ, mở cuộc càn quét lớn vào Khu Cháy nhằm “đốt sạch - phá sạch - giết sạch”. Bộ đội chủ lực được lệnh phải rút khỏi Khu Cháy, nhưng bộ đội địa phương và du kích vẫn bám trụ, kiên cường đánh địch. Hai tiểu đoàn địch bị diệt, hơn 100 lính bị bắt sống.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo về trận này đã gửi thư khen: “Trong chiến dịch vừa qua ở trận chợ Cháy, Trầm Lộng (Nam Hà Đông), các chú đã cùng với bộ đội chủ lực dũng cảm đánh giặc. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ mà các chú đã phá tan kế hoạch của 10 tiểu đoàn địch hòng bao vây tiêu diệt lực lượng ta. Các chú lại tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Bác gửi lời thân ái khen các chú và khuyên các chú học tập kinh nghiệm trong trận đánh vừa qua, ra sức củng cố lực lượng của mình, để tranh lấy thắng lợi mới to hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Tại khu di tích xã Trầm Lộng là căn cứ kháng chiến của Khu Cháy kiên cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trầm Lộng Lê Quang Cảnh cho hay, trong trang sử đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân địa phương tự hào về những năm 1939-1945, cán bộ, nhân dân đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ và Tỉnh ủy Hà Đông, như các đồng chí: Trần thị Minh Châu, Bạch Thành Phong, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười... Đặc biệt là tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, vào rạng sáng 17/8/1945, đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ lỵ Ứng Hòa. Ngày 18/8/1945, nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng.
Nông thôn đổi mới - miền xanh đáng sống
“Phát huy truyền thống cách mạng đáng tự hào, tiếp nối tinh thần cần cù, sáng tạo, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa đã và đang không ngừng nỗ lực xây dựng Khu Cháy nói riêng và huyện Ứng Hòa nói chung thành miền quê xanh, văn minh, hiện đại”- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Ứng Hoà Nguyễn Chí Viễn nhấn mạnh.

Thực hiện lời Bác dạy, trong những năm qua, huyện Ứng Hòa đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2012-2023), từ xuất phát điểm thấp, Ứng Hòa có bước phát triển toàn diện. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Vân Đình được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2023 đạt 68 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam TP Hà Nội, kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. Vì vậy, huyện định hướng đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển dịch vụ, du lịch.

Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tân Nguyễn Đôn Sỹ cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân địa phương rất tích cực kiến thiết quê hương, chung sức phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2023, xã Đồng Tân đã về đích nông thôn mới nâng cao, năm 2024 đang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong công cuộc xây dựng xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vai trò của lực lượng phụ nữ xã Đồng Tân là nòng cốt, bền bỉ, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Bà Đinh Thị Hoà, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tân cho biết, Hội LHPN xã tham gia các phong trào chăm sóc, trồng mới 8 đoạn đường nở hoa dài hơn 1.000m, chỉnh trang môi trường đường làng ngõ xóm sạch đẹp; tham gia vẽ bích hoạ tại 3 bức tường… 

 “Đảng bộ và nhân dân xã Trầm Lộng mong muốn trong thời gian tới, Dự án bảo tồn, phát triển An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ sớm được đầu tư, cùng với việc được nâng cấp, mở rộng các tuyến đường qua địa bàn xã, nhất là đường vào khu vực di tích lịch sử. Khi đó chùa Chòng là trung tâm kết nối với các di tích lịch sử trong vùng, sẽ mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương”- ông Lê Quang Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trầm Lộng bày tỏ.

Thực hiện lời Bác dạy, xây dựng quê hương anh hùng giàu đẹp - ảnh 3
Lãnh đạo xã Đồng Tân giới thiệu về lịch sử địa phương tại Tượng đài Khu Cháy 

Ngày nay, những người con sinh ra và lớn lên ở nôi cách mạng vùng an toàn khu Trầm Lộng luôn có ý chí vươn lên, xây dựng quê hương. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trầm Lộng Lê Văn Đàm cho biết: Hằng năm, Đoàn Thanh niên xã phối hợp các Đoàn kết nghĩa và Hội Cựu chiến binh xã tổ chức nói chuyện truyền thống, chăm sóc di tích An toàn khu Chùa Chòng và tặng quà cho các đối tượng chính sách…

Trong những ngày chào mừng Quốc khánh 2/9, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các thôn, xóm, làm cho vùng quê cách mạng huyện Ứng Hoà thêm sức sống mới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Sáng nay 16/10, trước khi diễn ra khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, các vị trong Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, Trưởng các đoàn đại biểu và người Việt Nam ở nước ngoài về tham dự Đại hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Anh hùng Liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, đường Bắc Sơn, Hà Nội.
Báo Phụ nữ Thủ đô trao 2 mái ấm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Sóc Sơn

Báo Phụ nữ Thủ đô trao 2 mái ấm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Sóc Sơn

(PNTĐ) - Ngày 15/10, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Sóc Sơn và các nhà tài trợ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quỹ Thiện Tâm đã tổ chức bàn giao 2 mái ấm cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Nam Sơn và  xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Thanh niên Thủ đô: Yêu nước - tiên phong - gương mẫu - đoàn kết - sáng tạo - vươn xa

Thanh niên Thủ đô: Yêu nước - tiên phong - gương mẫu - đoàn kết - sáng tạo - vươn xa

(PNTĐ)- Với chủ đề: “Yêu nước - tiên phong - gương mẫu - đoàn kết - sáng tạo - vươn xa”, nhiệm kỳ 2024 - 2029 này, Hội LHTN thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu phát huy năng lực của thanh niên góp phần xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; triển khai hoạt động Hội thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên.
Hơn 2.000 đại biểu cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2024

Hơn 2.000 đại biểu cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2024

(PNTĐ) - Từ ngày 14-15/10/2024, Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2024 chính thức được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến. Hội nghị cũng thu hút gần 70 báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế đến từ 15 trường Đại học, 29 bệnh viện sản phụ khoa trong cả nước.