Tình trạng lãng phí trong sử dụng con người và thực hành tiết kiệm từ giáo dục, đạo đức

Chia sẻ

(PNTĐ) - Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Tôi nghe rất nhiều đơn vị, cơ quan đánh giá rằng, có lẽ là 50% số cán bộ, nhân viên của đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả, còn lại chưa có hiệu quả”. Vì vậy, lưu ý đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ như thế nào để không lãng phí.

Tại phiên thảo luận sáng 26/7, về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, một số đại biểu Quốc hội cho rằng để thực hành tiết kiệm, Chính phủ cần tiếp tục  đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa công tác trong và ngoài nước; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh giản…

Còn lãng phí trong đầu tư công

đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc đánh giá lãng phí chưa sâu, chưa sát. Đơn cử như lãng phí trong đầu tư công, thực hiện các dự án đầu tư, việc giải ngân đầu tư công chậm là phần lãng phí do phải trả tiền lãi, dự án triển khai chậm dẫn đến không đưa được vào sử dụng hiệu quả, công trình không đúng tiến độ gây chậm các công trình và nhiều hoạt động xã hội có liên quan. Tình trạng lãng phí trong sử dụng con người, cán bộ tuy đã cải cách bộ máy, giảm biên chế nhưng trong số biên chế còn lại đã sử dụng bao nhiêu % cán bộ có hiệu quả cũng chưa có đánh giá.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Tôi nghe rất nhiều đơn vị, cơ quan đánh giá rằng, có lẽ là 50% số cán bộ, nhân viên của đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả, còn lại chưa có hiệu quả”. Vì vậy, lưu ý đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ như thế nào để không lãng phí.

Đại biểu còn chỉ rõ lãng phí trong việc cán bộ, công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để sẵn sàng cho việc bổ nhiệm.

Quốc hội khóa XIV đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân và bản thân Bộ trưởng đã thừa nhận rằng, hiện nay đưa ra những quy định trước khi bổ nhiệm phải có một loạt các chứng chỉ. Một vị trí quy hoạch tối đa 4 người, 1 người được quy hoạch tối đa 3 vị trí thì người cán bộ phải luôn luôn học các chứng chỉ để đấy chuẩn bị sẵn cho việc bổ nhiệm. Việc này gây ra lãng phí trong đào tạo cán bộ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nói sẽ thay đổi, sau khi bổ nhiệm vào vị trí đó mới cần học những chứng chỉ ấy để có đủ năng lực điều kiện làm việc chứ không phải cứ đi chuẩn bị trước.

Việc đua nhau đi học nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học

Đại biểu Nguyễn Anh TríĐại biểu Nguyễn Anh Trí

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, lãng phí có những việc thấy được, đo đếm được nhưng rất nhiều việc không thấy được, không đo đếm được nếu không chú ý. Dẫn chứng tình trạng lãng phí về văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc đua nhau đi học nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học thì mình cũng học. Ngoại ngữ không cần thiết cũng học.

Đại biểu Trí nói: “Tôi là cán bộ khoa học và tôi cảm thấy ngoại ngữ hết sức cần thiết, mình có ngoại ngữ mình làm việc chứ không phải học ngoại ngữ để bằng cấp đẹp lên”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, tiết kiệm, chống lãng phí là phạm trù rất rộng, đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai,… và những cái như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, cách thức tổ chức làm việc, chủ trương chính sách.

Một chủ trương chính sách sai sẽ gây ra lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm được. Tham nhũng đáng phê phán, đáng lên án, đáng nghiêm trị còn lãng phí thì phải hơn thế nữa. Vì lãng phí là mất mát, thất thoát.

Đại biểu nói: “Xót xa vô cùng khi thấy những mảnh đất rộng bỏ hoang hóa 3-5 năm thậm chí 10 năm, nhân dân cử tri rất bức xúc. Chống lãng phí thì phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải đợi để bắt, cho vào tù. Việc này cũng khó, vì có nhiều việc không đo đếm được, không lượng hóa được nên khó bắt, khó quy tội”.

Đồng thời, đại biểu đề nghị phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành, quản lý xã hội.

Thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, đạo đức

Đại biểu Trần Hoàng NgânĐại biểu Trần Hoàng Ngân đoàn TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ hai là thể chế phải chặt chẽ, khả thi; phân công, phân cấp phải rõ ràng”, đại biểu nêu ý kiến.

Trong các nội dung về tiết kiệm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đại biểu nhận thấy, Quốc hội đã ngày càng đưa nhiều nội dung này vào trong các văn bản pháp luật. Nêu ví dụ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, các phương châm tại chỗ, phân cấp phân quyền cho địa phương đã thể hiện rõ hiệu quả hơn. 

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương triệt để sẽ giảm đi nhiều khâu, trung gian, nhiều thủ tục và quan trọng hơn là giảm thời gian đi lại từng địa phương ra Trung ương. Trong bối cảnh dịch COVID-19 cần hạn chế việc đi lại, đại biểu cho rằng, việc phân cấp, phân quyền tới địa phương sẽ càng có ý nghĩa.  "Dĩ nhiên, đi kèm với đó là việc nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh)Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí thực chất phải có kế sách bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi trở thành yêu cầu của một cán bộ, công chức. “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hàng ngày”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.