Trao quyền chủ động cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch

Chia sẻ

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều đến các giải pháp phòng chống dịch và triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

Quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình trong phiên làm việc chiều 24/7, cho biết đợt bùng phát dịch lần thứ tư này có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguồn cung ứng vắc-xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động.

Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thành Long phát biểu tại hội trườngBộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thành Long phát biểu tại hội trường (Ảnh: QH)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thực tiễn các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết ngay trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn trên toàn thế giới như Covid-19, cần trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cần cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch, các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của Luật hoặc chưa được Luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đồng tình với việc đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề trong đối phó với dịch bệnh Covid-19. ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Nhân dân cần Quốc hội vào cuộc mạnh mẽ hơn, chính thức hơn, nhân dân cần có Nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng hơn, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần có Nghị quyết của Quốc hội để gắn kết hơn, để vững vàng, tự tin và có chỗ dựa của luật pháp để chống dịch mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Tôi tin rằng đây sẽ là một quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch Covid-19 ở Việt Nam”.

ĐB Nguyễn Minh Tâm, (đoàn Quảng Bình) cho rằng, phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới. Vì vậy, cần có các kịch bản cụ thể để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong điều kiện dịch bệnh. Theo ĐB Tâm, về nguồn lực tài chính, cần đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác phòng chống đại dịch khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải huy động đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp cho Quỹ vắc-xin, các cơ quan nhà nước cần hết sức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn kinh phí.

Chiều 24/7, Quốc hội đã thông qua việc bổ sung vào chương trình Nghị quyết chung của kỳ họp nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Hiệu quả từ gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cử tri đồng tình với sự đổi mới của Chính phủ trong việc xây dựng gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng “trên tinh thần hết sức thông thoáng”, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ được thực hiện chưa kịp thời, và chỉ thực hiện được 36%. Gói cứu trợ này, khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng không phô trương, không hình thức và cần cân nhắc việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp 2,52%. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành đã suy giảm năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn. Cụ thể, khu vực lữ hành giảm 54,8%; doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%; khu vực vận tải giảm 0,7%; 70.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tấn công vào “thành trì” rất quan trọng của chúng ta, đó là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có lực lượng lao động xấp xỉ 4 triệu người như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội…

Qua 15 ngày triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và gấp rút triển khai gói hỗ trợ. Kết quả, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát; hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí là 4.300 tỷ đồng hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng. Hỗ trợ tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1; Trên 52.000 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại gần 6.000 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách; 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. Qua 1 tuần, ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng. Hỗ trợ 13.577 lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Như vậy đã hỗ trợ gấp 10 lần gói hỗ trợ 62.000 tỷ”.

Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), đây là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất. Chính phủ đã đề cao tính linh hoạt, sáng tạo và phân quyền mạnh cho các địa phương xem xét, quyết định vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua các chính sách xã hội, an sinh xã hội của chúng ta đã triển khai tương đối đồng bộ và có hiệu quả. Nhìn chung đời sống nhân dân an sinh xã hội được đảm bảo.

Cần sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi được các ĐBQH rất quan tâm. ĐB Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho rằng, Luật Đất đai đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3/2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất, thu hồi đất…

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là một yêu cầu bức thiết trong sự phát triển kinh tế xã hội và mong muốn của nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc sửa đổi Luật rất khó khăn. Nếu xử lý không khéo sẽ nổi lên một làn sóng khiếu kiện mới của nhân dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Từ đó, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, nếu Quốc hội không sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 thì cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và đặc biệt ảnh hưởng tới việc khiếu kiện của người dân. Vấn đề ở đây là Chính phủ, Quốc hội phải tính đến các yếu tố ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực tới sự phát triển kinh tế xã hội, lợi ích của người dân và lợi ích chung của đất nước.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng một dự án luật hết sức cấp bách theo phản ánh của cử tri và chính quyền địa phương, đó là Luật Đất đai. Chương trình năm 2022, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tại 3 kỳ họp, như vậy đến giữa năm 2023 mới được thông qua và đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành. Thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì cũng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành luật, từ đó dẫn đến có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ luật mới đi vào cuộc sống. Trong khi Luật Đất đai hết sức cần thiết sửa đổi để sớm giải quyết nhiều bất cập trong quản lý đất đai trong việc đảm bảo quyền sử dụng tài sản, đất đai của công dân và nhiều vấn đề bất cập khác. “Tôi đề nghị nên đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối của năm 2021 để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi luật sớm hơn” - ĐB Kim Bé nhấn mạnh.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...