Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 26/6, tại UBND xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai, Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN huyện Quốc Oai tổ chức Chương trình truyền thông hưởng ứng tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình - Ngày gia đình Việt Nam 28/6, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người”.

Chương trình nhằm thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ”; thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội” giai đoạn 2022-2026.

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội dự và chỉ đạo tại chương trình.

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 1
Các đại biểu tham dự chương trình

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, lao động di cư ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động, trong đó có nhiều phụ nữ di cư ra nước ngoài theo diện đi xuất khẩu lao động…

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 35.933 lao động, trong đó chiếm số lượng cao nhất là thị trường Nhật Bản, sau đó đến Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và 1 số thị trường khác…

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 2
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu khai mạc tại chương trình.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Công an cho biết, từ năm 2008-2018, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó, 72% là nữ, và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Theo báo cáo về tình trạng mua bán người của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022 đã xảy ra 394 vụ mua bán người với 1.019 nạn nhân bị mua bán, trong đó 744 là nữ (chiếm 73%)…

Việc người lao động di cư ra nước ngoài làm việc là nhu cầu và mong muốn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Tuy nhiên, trước, trong và sau khi di cư, nhiều phụ nữ phải đối mặt với không ít thách thức. Việc thiếu thông tin, kiến thức về di cư có thể khiến phụ nữ trở thành nạn nhân của di cư không an toàn, lừa đảo, bạo lực, xâm hại, thậm chí trở thành nạn nhân của mua bán người, những rào cản về ngôn ngữ, trình độ, văn hóa … là thách thức đối với nhiều phụ nữ di cư ra nước ngoài.

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 3
Bà Đặng Thuý Hạnh, cán bộ chương trình quốc gia, Tổ chức Di cư quốc tế IOM làm báo cáo viên chương trình.

Khi hồi hương, lao động nữ di cư còn có thể phải đối mặt với các rạn nứt trong hôn nhân và gia đình, thậm chí cả bạo lực gia đình. Bên cạnh đó phụ nữ kết hôn với nguời nước ngoài trở về Việt Nam mang theo con cái đa quốc tịch họ và con cái của họ có thể bị đẩy trở lại nghèo đói, đối mặt với nhiều thách thức do trở ngại về thủ tục pháp lý, tâm lý, sức khỏe thể chất… tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Phát biểu khai mạc tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh: Với trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, phòng ngừa mua bán người như: Tổ chức 5 hoạt động truyền thông, tuyên truyền về kỹ năng di cư an toàn, các quy định pháp luật về lao động ở nước ngoài; các quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa mua bán người…

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 4
Tiểu phẩm Thức tỉnh truyền thông về di cư an toàn, phòng chống mua bán người...

Năm 2024, Hội LHPN Hà Nội tổ chức 4 buổi truyền thông cho phụ nữ về di cư an toàn, hỗ trợ thăm khám sức khỏe cho 30 phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ khẩn cấp cho 8 hội viên phụ nữ di cư hồi hương có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các cấp Hội xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình tuyên tuyền, vận động hỗ trợ phụ nữ trên nhiều lĩnh vực, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình, phòng ngừa mua bán người, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: chỉ đạo thành lập 74 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”; 1978 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 15 CLB Phòng, chống mua bán người; 5 mô hình điểm “Thành phố An toàn, thân thiện đối với trẻ em gái” và các mô hình CLB gia đình văn minh hạnh phúc, CLB phòng chống BLGĐ, CLB Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em, Tổ dân phố an toàn, Làng quê an toàn...

Các cấp Hội chủ động rà soát, nắm bắt thông tin phụ nữ di cư hồi hương tại địa phương, tổ chức tuyên truyền  các quy định pháp luật, kết nối với các cơ quan  hỗ trợ chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, pháp lý…cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Từ tháng 2 năm 2024, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội chính thức tiếp nhận và quản lý Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO). Trong 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng đã tiếp cận và tư vấn cho 59 lượt phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ nhiều lĩnh vực như pháp lí, tâm lí, giáo dục, y tế, việc làm…

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 5
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN TP Hà Nội, huyện Quốc Oai và xã Cộng Hoà tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp.

Với mong muốn tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, phòng ngừa mua bán người trên địa bàn Thành phố trong các cấp Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đề nghị các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ cùng cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ các kiến thức, kỹ năng về di cư an toàn, phòng ngừa bạo lực gia đình, phòng chống mua bán; cung cấp kiến cho các nhóm phụ nữ và nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ.

Các cấp Hội chủ động và phối hợp với các phòng, ngành, đề xuất với chính quyền các cấp giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; kịp thời lên tiếng, đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực gia đình; tư vấn, hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, là nạn nhân của mua bán người, phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn tại địa phương.

Chủ động nắm bắt kịp thời thông tin về phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; phụ nữ di cư hồi hương, nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương; đề xuất, phối hợp hỗ trợ,  tư vấn cho các trường hợp khó khăn, kết nối các cơ quan tư vấn, hỗ trợ có nhu cầu hỗ trợ về pháp lý, tâm lý, y tế, giáo dục, việc làm, sinh kế...

Truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai - ảnh 6
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Các cấp Hội tiếp tục phối hợp thống kê, rà soát, tiếp cận các trường hợp chuẩn bị di cư nhằm tư vấn, hỗ trợ thông tin, đảm bảo di cư an toàn, phòng ngừa các hình thức dụ dỗ, lừa đảo trong xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa mua bán người… đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự,an toàn xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Đồng thời, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em; các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, nạn nhân bị mua bán; công tác phòng, chống mua bán người trong các hoạt động, chương trình công tác Hội nhằm đạt hiệu quả thiết thực; thông tin sâu rộng trong các cấp Hội cơ sở, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về các dịch vụ hỗ trợ, số điện thoại hotline của Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO)  - 1800599967.

 Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức tiếp tục quan tâm, phối hợp trong các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hường, phòng ngừa mua bán người trên địa bàn Thành phố. Toàn thể hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng lan tỏa những thông tin của chương trình truyền thông để cùng chung tay xây dựng một xã hội an toàn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại. 

Tại chương trình, các cán bộ, hội viên phụ nữ, phụ nữ di cư hồi hương và người dân trên địa bàn được lắng nghe các báo cáo viên truyền thông về thực trạng di cư hồi hương của Việt Nam hiện nay, những rủi ro khi di cư bất hợp pháp, các địa chỉ chính thống được nhà nước bảo hộ để người dân có thể tìm đến nếu muốn đi lao động nước ngoài, các quy định chính sách và hỗ trợ người di cư khi gặp rủi ro ở nước sở tại và phụ nữ di cư hồi hương trở về hoà nhập cộng đồng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024

Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024

(PNTĐ) - Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, ngày 29/6, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó có các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024

(PNTĐ) - Sáng 29/6, tại kỳ họp thứ 7, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó cho phép luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.