Từ cuộc sống vào nghị trường AIPA 41

Chia sẻ

Những giải pháp thúc đẩy việc làm bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho phụ nữ trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm… là vấn đề được đưa ra bàn thảo ở tầm khu vực bởi “những người phụ nữ quyền năng” - các nữ nghị sỹ đại diện của 10 quốc gia ASEAN cùng các nước quan sát viên tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA 41 (WAIPA).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận giải thưởng Vì sự cống hiến xuất sắc của Đại hội đồng AIPAPhó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận giải thưởng Vì sự cống hiến xuất sắc của Đại hội đồng AIPA

Tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã dẫn số liệu theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, số người giảm thu nhập chiếm 57,3% (17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: “Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm”.

Khẳng định sự thành công của Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 2020 nhấn mạnh: “Các đại biểu cũng khẳng định sự ủng hộ của mình đối với bình đẳng giới, nâng cao chất lượng việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào mọi mặt của đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm đa dạng sinh học”.

Cụ thể, năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ. Qua đó, tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. “Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau" – bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Vấn đề việc làm và thu nhập của lao động nữ đã được Tổ chức Lao động quốc tế ILO cập nhật mới cũng cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đối với lao động nữ, 40% số lao động nữ toàn cầu (gần 510 triệu người), hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.

Phụ nữ tiên phong, chủ động đưa ra sáng kiến

Việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm đã được các đoàn Nghị viện thảo luận, thống nhất ưu tiên hàng đầu nếu muốn đạt được quyền bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030. Tại Hội nghị, đại diện Nghị viện các nước đã khẳng định những tiến bộ mà các nước đạt được, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của nữ giới, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận việc làm và đảm bảo thu nhập.

Đại diện Quốc hội Brunei cho biết, Chính phủ Brunei nhận thức được vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phát triển quốc gia và luôn ưu tiên chủ đề này trong các chương trình nghị sự quốc gia. “Hiện nay, chúng tôi có một kế hoạch hành động đặc biệt cho vấn đề phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi nghiên cứu phát triển các vấn đề liên quan đến phụ nữ trong quốc gia của mình, đề cao việc tiếp cận bình đẳng cho cả hai giới với giáo dục hay nghề nghiệp và các ngành lĩnh vực tương tự. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở Brunei đã tăng lên tới 89% vào năm 2019, trong đó phụ nữ cũng chiếm tới 62% lực lượng lao động của chúng tôi” - đại biểu Brunei khẳng định.

Theo đại diện Nghị viện Lào, nước này đang thực hiện những chương trình về bình đẳng giới, Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ... Đây là công cụ pháp lý quan trọng để Lào ban hành luật liên quan đến phụ nữ, gia đình và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện như mức lương tối thiểu, đảm bảo việc làm bình đẳng trong xã hội.

Đại diện Đoàn Quốc hội Singapore cho hay, Singapore đã đạt được nhiều thành tựu nhất định về khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động của quốc hội. Hiện Singapore đã có gần 30% nghị sĩ nữ. Cách tiếp cận của Singapore là hướng tới những giá trị của từng người một cách hoàn toàn bình đẳng. Cơ hội là bình đẳng cho cả nam và nữ và cần được tiếp cận một cách bình đẳng với những nguồn lực cần thiết như việc làm và giáo dục. Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong lực lượng lao động của Singapore chiếm tới hơn 40% lực lượng lao động. Phụ nữ ngày càng thể hiện sự tích cực và chủ động của mình trong xã hội Singapore.

Sau 2 tiếng trình bày và thảo luận sôi nổi, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA đã khép lại với sự đồng thuận khi thông qua Nghị quyết về "Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ".

Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA41, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ chung tay cùng tất cả các nghị sỹ thúc đẩy xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để phụ nữ và trẻ em gái không những không ai bị bỏ lại phía sau mà sẽ không bị gạt sang bên lề và còn là những người tiên phong, chủ động đi đầu trong việc đưa ra sáng kiến, biện pháp tích cực hơn nữa, góp phần cải thiện bất bình đẳng giới, bao gồm cả bất bình đẳng giới cả việc làm và thu nhập.

Bài và ảnh VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.